Văn hoá đời sống

Nơi lưu giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống

11 năm qua, Câu lạc bộ Đàn, hát dân ca của thôn Hoàng Dương trở thành điểm hẹn cho bà con sau những giờ lao động, sản xuất, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhiều người bởi những điệu hát dân ca say đắm, trữ tình.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình giải trí, những bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, quan họ… đã có lúc đứng trước nguy cơ mai một, các buổi biểu diễn thưa vắng khán giả…Thế nhưng, ở thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, nghệ thuật truyền thống vẫn có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, lan tỏa trong cộng đồng, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân thôn quê.

Sơn Công là xã nằm ở phía bắc huyện, phía đông giáp xã Cao Thành; phía nam giáp xã Đồng Tiến; hai phía còn lại giáp với sông Đáy, bên kia bờ là các xã An Mỹ, Lê Thanh, Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức). Xã có 4 thôn là Hoàng Dương, Nghi Lộc, Vĩnh Thượng, Vĩnh Hạ.

Một buổi luyện tập của Câu lạc bộ (Chụp trước khi có dịch COVID-19)

Ảnh: Đình Thủy

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, văn hóa, người Hoàng Dương sống chân chất, nghĩa tình, cần cù, chịu khó lao động, sản xuất, học tập. Bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, người dân Hoàng Dương còn rất coi trọng các giá trị văn hóa tinh thần. Đó chính là một trong lý do khiến phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… ở nơi đây phát triển mạnh mẽ, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. Câu lạc bộ Đàn, hát dân ca của thôn đã ra đời, trở thành điểm hẹn cho bà con sau những giờ lao động, sản xuất, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhiều người bởi những điệu hát dân ca say đắm, trữ tình.  Người có công  thành lập, duy trì Câu lạc bộ là ông Nguyễn Gia Khê, người yêu văn nghệ, tâm huyết với việc cộng đồng.

Người Hoàng Dương yêu văn nghệ, đặc biệt là các làn điệu hát chèo, đi vào lòng người bởi ca từ đẹp và chất liệu âm nhạc ăm ắp nét văn hóa truyền thống, có sức hút đến lạ kỳ. Yêu văn nghệ, họ rủ nhau tham gia Câu lạc bộ, cùng nhau đóng góp kinh phí để mua nhạc cụ, trang phục, dành thời gian, tâm huyết để luyện tập…Đến nay, Câu lạc bộ luôn duy trì từ 25 – 30 thành viên với độ tuổi phổ biến từ 40-60, đặc biệt, có nhạc công đã gần 80 tuổi. Không chỉ đóng góp những tiết mục có chất lượng nghệ thuật cao cho các hội nghị, sự kiện của thôn, xã, Câu lạc bộ còn đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi, hội diễn của huyện, thành phố, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa của địa phương.

Bởi những kết quả đạt được của Câu lạc bộ, từ năm 2018, thôn Hoàng Dương vinh dự là đơn vị đầu tiên được lựa chọn làm điểm để triển khai ra mắt mô hình Nhà Văn hóa tự quản theo Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 27/11/2017 về Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện từ nay đến năm 2020, định  hướng đến năm 2025.  Sau khi triển khai thực hiện Đề án của huyện, Câu lạc bộ đàn và hát dân ca thường xuyên tham gia biểu diễn, tham gia các Hội thi do huyện tổ chức và đại diện cho huyện Ứng Hòa tham gia nhiều chương trình của Thành phố. Từ Câu lạc bộ, những giai điệu chèo đã luôn được cất lên, được vang xa, tỏa sáng, tô điểm cho đời sống văn hóa tinh thần. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, các loại hình giải trí xuất hiện dày đặc, thì ở Hoàng Dương, hát chèo vẫn có sức sống bền bỉ, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn con người và làm cho vùng quê thêm giàu bản sắc, hồn cốt.

11 năm qua,  Câu lạc bộ đàn, hát dân ca thôn Hoàng Dương luôn duy trì đều đặn sinh hoạt vào buổi tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Từ khi có dịch COVID-19, Câu lạc bộ chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, UBND thành phố, không tổ chức sinh hoạt nữa. Những giai điệu chèo vẫn được ngân lên ở những gia đình các thành viên Câu lạc bộ. Ai cũng mong ngóng đến ngày hết dịch, để được cùng nhau luyện tập, cùng nhau đưa điệu hát chèo ngân vang, bay xa…

Câu lạc bộ đàn, hát dân ca Hoàng Dương đã chứng tỏ được những đóng góp quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong thời gian tới, Câu lạc bộ rất mong có  thêm sự quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí của các cấp chính quyền để các thành viên có thêm động lực luyện tập, biểu diễn, để  chèo – một loại hình tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam tiếp tục chinh phục lòng người bởi cái chất trữ tình đằm thắm, sâu sắc.

Thanh Hà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *