Tin ngành

Sở VHTT tham dự Hội thảo trực tuyến của Thành phố về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Sáng 11/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học cấp Thành phố về “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn chủ trì Hội thảo tại điểm cầu của UBND Thành phố (Ảnh: Báo Kinh tế&Đô thị)

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn chủ trì Hội thảo tại điểm cầu của UBND Thành phố. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đại diện cơ quan Trung ương, TP Hà Nội và các nhà khoa học. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu UBND Thành phố và trực tuyến đến 58 điểm cầu các sở, ban ngành, quận huyện, thị xã của Thành phố.

Các đại biểu tại điểm cầu UBND Thành phố

Điểm cầu Sở VHTT Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Trần Thị Vân Anh chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo các phòng: Tổ chức Pháp chế; Quản lý Văn hóa; Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình; Quản lý Di sản Văn hóa; Kế hoạch Tài chính; Quản lý Thể dục Thể thao.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh chủ trì tại điểm cầu của Sở VHTT tham dự Hội thảo

Nội dung hội thảo gồm: Báo cáo về quá trình tổng hợp ý kiến của các đơn vị, chuyên gia, hội nghề nghiệp… liên quan đến việc rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Báo cáo sơ bộ về các nội dung rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, trong đó tập trung làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) và bài học kinh nghiệm rút ra, làm cơ sở đề xuất một số định hướng triển khai trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Bên cạnh đó, báo cáo định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội; trong đó, xác định rõ những nội dung cần giải quyết trong phát triển đô thị hiện nay, như: Dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh – quốc phòng… Thông qua hội thảo nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong công tác tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Hà Nội, góp phần thực hiện tốt Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.

Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTG ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có các nội dung chính liên quan đến ngành Văn hóa và Thể thao như:
– Định hướng phát triển hệ thống công trình văn hóa: Hoàn chỉnh mạng lưới công trình văn hóa theo tầng bậc ở các khu đô thị và các điểm dân cư nông thôn tại Hà Nội. Cải tạo chỉnh trang các trung tâm văn hóa hiện có của khu vực nội đô lịch sử và các khu dân cư hiện hữu. Xây dựng mới và tiếp tục hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát … gắn với cảnh quan thiên nhiên sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây; Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long và trên các trục giao thông không gian chính, các trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội. Thiết lập hệ thống quảng trường văn hóa, các không gian giao lưu cộng đồng, các không gian đi bộ gắn với các công trình tượng đài, tượng đường phố, tranh tường nghệ thuật lớn … gắn kết với các khu cây xanh, công viên, cơ quan, công trình hành chính công cộng, cơ quan công sở, khu vui chơi giải trí.
– Định hướng phát triển hệ thống công trình thể dục thể thao: Xây dựng mới trung tâm thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế và khu vực tại phía Bắc sông Hồng phục vụ ASIAD (hoặc Olympic trong tương lai), trung tâm thể thao Hồ Tây, các trung tâm giải trí thể thao gắn với công viên giải trí lớn của Thủ đô như: Trung tâm thể thao địa hình, tổ hợp thể thao đa loại hình … Hoàn thiện trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình. Cải tạo và nâng cấp các cơ sở thể dục thể thao cũ trong thành phố. Xây dựng hoàn chỉnh các công trình thể thao trong các khu đô thị mới, khu dân cư cũ và các trường học.
– Định hướng bảo tồn di sản văn hóa lịch sử và thiên nhiên: Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị và bảo tồn giá trị văn hóa tại trung tâm Chính trị Ba Đình, di sản thế giới khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực ven hồ Tây, khu di tích thành Cổ Loa, thành cổ Sơn Tây, các làng nghề truyền thống, các cụm di tích và di tích đơn lẻ. Khu vực nội đô lịch sử hạn chế phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy các giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa – lịch sử – tôn giáo, kiến trúc đặc trưng các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô. Các di tích lịch sử, văn hóa, các thành cổ, làng cổ, di tích cách mạng, tôn giáo tín ngưỡng, … được khoanh vùng bảo vệ và có quy chế kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bảo tồn di tích, hoạt động xây dựng và hoạt động tham quan khác. Bảo tồn các vùng cảnh quan sinh thái đặc biệt quan trọng như vườn Quốc gia Ba Vì, Núi Sóc, Hồ Tây, hồ Đồng Mô, Hương Sơn, vùng ven sông Hồng, sông Đáy … Kiểm soát xây dựng, quản lý và khai thác nguồn lợi của các khu vực thiên nhiên, không được phát triển các khu dân cư, đô thị.

Theo kế hoạch, nội dung thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội sẽ có 02 nội dung liên quan đến ngành VHTT được đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thành phố: (1) Hiện trạng phát triển giai đoạn 2011-2020 và định hướng, giải pháp phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao, cơ sở hạ tầng, mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao Thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. (2) Đánh giá, phân tích hiện trạng hệ thống di tích giai đoạn 2011-2020 và định hướng, giải pháp quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

PV

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *