Văn hóa

Nhìn lại 5 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa Thủ đô

Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI đang diễn ra, nhìn lại chặng đường 5 năm đã đi qua kể từ Đại hội XV, nhìn lại cả một quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Thủ đô – trái tim của đất nước. Hà Nội là trung tâm […]

Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI đang diễn ra, nhìn lại chặng đường 5 năm đã đi qua kể từ Đại hội XV, nhìn lại cả một quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Thủ đô – trái tim của đất nước. Hà Nội là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của cả nước, là địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại, vừa phong phú, đa dạng nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2010-2015, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã có chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu nổi bật. Đường lối phát triển văn hóa và xây dựng con người của Đảng bộ Thành phố đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Văn hóa được chú trọng phát triển, một số mặt có những chuyển biến tích cực. Trong khi chúng ta coi trọng xây dựng phát triển kinh tế thì đời sống văn hóa xã hội cũng được quan tâm chăm lo từ cơ sở. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được tăng cường; nhiều di sản của Hà Nội được công nhận, xếp hạng quốc gia, quốc tế, trong đó có 11 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt; 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới là Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Lễ hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng.

Việc khai thác sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở được triển khai có hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, được đông đảo khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao; nhiều nghệ sĩ, diễn viên đạt giải cao trong hoạt động nghệ thuật.

IMG_7323-copy-8538aNhà hát múa rối Thăng Long đạt được kỷ lục là Nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn 365 ngày/năm.

Hà Nội có những đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, có uy tín, thời gian qua có những nỗ lực vượt bậc, như: Nhà hát múa rối Thăng Long đạt được kỷ lục là Nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn 365 ngày/năm; Nhà hát chèo Hà Nội với các đề án bảo tồn nghệ thuật Chèo truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống vào sân khấu học đường, đạt kết quả bước đầu… Chất lượng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Thành phố Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế về một bề dày nghìn năm văn hiến cần được chăm lo, gìn giữ, phát huy.

Việc xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã trở thành phong trào rộng khắp, được sự hưởng ứng, tham gia tích cực, có hiệu quả của các cấp, các ngành Thành phố. Bên cạnh những tiêu chí chung của Thành phố, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng những tiêu chí cụ thể để thực hiện phong trào. Việc triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô… đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, điều chỉnh hành vi của người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ; những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy.

Nhiều phong trào thi đua được duy trì và đi vào nề nếp như phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức xét chọn và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”… đã thực sự phát huy hiệu quả, tác động sâu rộng đến từng con người, gia đình, cơ quan, đơn vị; những giá trị, nét văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy.

Chúng ta luôn nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Khi nói đến một Thủ đô, một đất nước giàu đẹp, văn minh, không phải chỉ cần có cảnh quan, môi trường, diện mạo đô thị, thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp mà còn phải có những con người đẹp, đẹp về văn hóa, tâm hồn, trí tuệ, đẹp về phong cách, lối sống, đẹp trong ứng xử giữa người với người.

can-canh-dam-cuoi-tap-the-dien-ra-tai-truong-hoc-o-ha-noi-8538aMột lễ cưới tập thể được tổ chức theo tinh thần “Vui tươi – Lành mạnh – Tiết kiệm”.

Hà Nội là nơi đi đầu trong thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ với những chuyển biến rất rõ nét. Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy, đến nay, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần “Vui tươi – Lành mạnh – Tiết kiệm”. Nhiều mô hình cưới mới, như tổ chức cưới tiệc trà, báo hỷ sau cưới; đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, không mời tràn lan, làm không quá 40 mâm ; mô hình mỗi đám cưới ủng hộ quỹ khuyến học của địa phương giá trị bằng một mâm cỗ; lễ cưới tập thể… đang được nhiều gia đình tự giác hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc và dần duy trì thành nếp. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan đã cơ bản được khắc phục. Tỷ lệ số ca hỏa táng ngày càng tăng, nhất là huyện Đông Anh.

Cộng tác quản lý nhà nước từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành.

Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc, góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi về vùng đất văn hóa và con người Thủ đô, về bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh ra nước ngoài và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Thủ đô Hà Nội thực sự là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp phát triển Văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của thành phố còn những băn khoăn, trăn trở. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu của Thủ đô ngàn năm văn hiến, chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống của Hà Nội, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động văn hóa cơ sở còn thiếu, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội chưa chú ý đến vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc tiếp nhận và sử dụng các thiết chế này. Di sản văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật của Hà Nội tương đối nhiều và đa dạng nhưng còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, chất lượng nghệ thuật.

Nguyên nhân của những hạn chế có cả chủ quan và khách quan, trong đó vấn đề xác định vai trò, vị trí xây dựng con người và phát triển văn hóa của một số chính quyền, cấp ủy có lúc, có nơi chưa thật đầy đủ, chưa ngang tầm nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Thành phố đề ra. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với vị thế và vai trò của Văn hóa Thủ đô. Quan điểm đầu tư chỉ nhằm “chống xuống cấp”, để “bảo vệ” chứ chưa chú trọng đầu tư để khai thác các nguồn lực văn hóa, xã hội và con người cho phát triển.Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được quan tâm đúng mức.

Văn hóa Hà Nội là kết tinh của nghìn năm lao động sáng tạo, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh trong nước cũng như trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Hà Nội đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh riêng của người dân Thủ đô, để Hà Nội luôn xứng danh là trái tim của cả nước, là một trong những trung tâm văn hóa hàng đầu khu vực.

Nguồn: maskonline.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *