Sự kiện

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập UNESCO

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) sẽ diễn ra tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long vào lúc 20h ngày 23/11/2015. Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên […]

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) sẽ diễn ra tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long vào lúc 20h ngày 23/11/2015.

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc nhằm giới thiệu và quảng bá các thành tựu đạt được trong 70 năm thành lập và phát triển của UNESCO gắn sự kiện này với giá trị lịch sử, văn hóa, tôn vinh giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản có bề dày lịch sử hơn 1.000 năm.

Đây là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, góp phần quảng bá và phát triển du lịch di sản. Đồng thời cũng là dịp để khẳng định vị thế của Việt Nam tại UNESCO và uy tín quốc tế của Việt Nam. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam với thông điệp Việt Nam luôn đồng hành cùng UNESCO.

Tổ chức UNESCO được thành lập ngày 16/11/1945 với mục đích “Góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng của tất cả các nước về công lý, pháp luật, quyền con người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo mà Hiến chương Liên hợp quốc đã công nhận đối với tất cả các dân tộc”.

Kể từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của UNESCO về ý tưởng, nhận thức và kinh nghiệm cũng như những đóng góp về tài chính và kỹ thuật ban đầu cho một số dự án của Việt Nam. Thời gian gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO có những bước phát triển mới cả về lượng và chất, đồng thời ngày càng thu được nhiều kết quả.


Ngày 1/8/2010, Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Trong lĩnh vực giáo dục, những tư tưởng đề cao và cổ vũ cho giáo dục của UNESCO rất phù hợp với việc coi giáo dục là quốc sách của Việt Nam. Trong lĩnh vực văn hóa, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO đã tác động hết sức tích cực đối với sự phát triển cân đối, hài hòa của đất nước.

UNESCO cũng đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị những di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể có giá trị quý báu đối với toàn thể nhân loại. Việc UNESCO công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới không chỉ là một kênh quan trọng giới thiệu văn hóa Việt Nam ra cộng đồng thế giới mà còn tạo ra các “thương hiệu” quốc tế, tạo ra các nguồn thu không nhỏ từ du lịch, làm biến đổi bộ mặt đời sống tinh thần, xã hội của người dân và địa phương nơi có di sản.

Nhưng cái lớn nhất mà UNESCO mang lại là làm dấy lên ý thức tôn trọng, yêu quý và bảo vệ di sản của toàn xã hội, từ lãnh đạo các cấp đến người dân bình thường. Từ ý thức dẫn đến các hành vi ứng xử, hành động thực tế bảo vệ di sản. Điều này cũng được thể hiện cụ thể cả trong các chính sách qui hoạch phát triển của quốc gia và các địa phương, phản ánh qua những tính toán cân nhắc hợp lý giữa công tác bảo tồn và phát triển.

Nguồn: maskonline.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *