Di sản – Bảo tồn

Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ làm tiền đề phục dựng Điện Kính Thiên

Ngày 12/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ”.

Thềm Điện Kính Thiên (khu di tích Hoàng thành Thăng Long). Ảnh minh hoạ: Internet.

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, trong lịch sử cổ trung đại phương Đông, kiến trúc cung điện là khái niệm chung để nói đến các loại hình kiến trúc do triều đình xây dựng. Nó được thiết kế xây dựng chủ yếu ở bên trong các kinh thành hay bên ngoài kinh thành, ở những nơi thuộc về hoặc do triều đình trực tiếp quản lý, xây dựng. Theo đó, đây là những công trình kiến trúc rất đặc biệt, nó vừa thể hiện quyền lực tối cao của hoàng đế, vừa phô diễn đẳng cấp, sự uy nghiêm và đáp ứng sự hưởng thụ của cuộc sống tinh thần, cuộc sống vật chất của nhà vua và triều đình. Những công trình kiến trúc đó thường được xây dựng rất công phu và nghệ thuật trang trí của nó mang đậm dấu ấn và hơi thở của thời đại, phản ánh trình độ khoa học, công nghệ cùng những sắc thái văn hóa riêng biệt hay tương đồng giữa các nền văn hóa trong lịch sử.

Thời Lê sơ không còn cung điện nào tồn tại trên mặt đất, sử cũ cũng không có ghi chép gì nhiều về các cung điện trong hoàng cung. Vì vậy, việc nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ là rất quan trọng. Tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng, dấu tích nền móng kiến trúc thời Lê sơ rất hiếm hoi nhưng vật liệu kiến trúc lại phong phú và đa dạng. Ngược lại, khu vực khai quật khảo cổ học tại Điện Kính thiên lại tìm thấy nhiều nền móng kiến trúc và vật liệu kiến trúc trang trí trên mái cung điện, tương đồng với vật liệu kiến trúc khai quật được tại khu di tích 18 Hoàng Diệu.

Việc nghiên cứu hình thái kiến trúc Lê sơ giúp nhận diện hình thái cung điện, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc phục dựng Điện Kính Thiên tại Hoàng cung Thăng Long. Vì vậy, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ”. Tọa đàm tập trung khai thác các tư liệu khảo cổ học được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa).

Tọa đàm đã bước đầu công bố một số kết quả nghiên cứu mới về kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ. Tọa đàm tập trung vào 03 vấn đề chính, đó là: Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, sử học về kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa); Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng cung Thăng Long dưới ánh sáng tư liệu của khảo cổ học; Và nghiên cứu so sánh kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ với kiến trúc cung điện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thế kỷ 15-16.

PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, trong các cuộc khai quật khảo cổ học năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, Viện Khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã phát hiện được 70 cấu kiện kiến trúc gỗ, loại hình khá đa dạng như cột, kèo, xà, ván sàn, cấu kiện rui, xà đấu. Tuyệt đại đa số các di vật được sơn son, một số cấu kiện có chạm khắc trang trí hoa văn mây lửa, hoa sen được sơn son thếp vàng. Những hiện vật gỗ cung cấp những bằng chứng xác thực về một bộ khung gỗ thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long… Năm 2021 tại vị trí phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên, đã phát hiện thêm một tầng mái của một mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng. Nghiên cứu bước đầu cho thấy, một số cấu kiện kiến trúc gỗ nói trên và các thành phần ngói lợp với mô hình kiến trúc này có những điểm khá gần nhau. Nếu tiếp tục nghiên cứu lâu dài, dần dần có thể khôi phục một cách tương đối bộ khung kiến trúc và kiểu cách bộ mái kiến trúc thời Lê sơ ở khu vực Chính điện Kính Thiên (Thăng Long).

Tại hội thảo, với 14 tham luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề cập tới những thành tựu nghiên cứu mới liên quan đến kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ dưới nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ và sử liệu.

Thanh Hằng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *