Ngày 15/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Huyền Kỳ, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Huyền Kỳ, với nội dung: tôn tạo cổng chính, nhà Mẫu; xây dựng mới nhà khách, cổng phụ, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống phòng cháy, chữa cháy di tích.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Đối với hạng mục nhà Mẫu, cửa sổ thiết kế trang trí đề tài “sắc – không”; Công trình nhà khách chỉ thiết kế một bậc cấp và không lắp đèn ống Led chiếu sáng nội thất công trình; Đối với hạng mục cổng chính: không làm xà treo chuông và không đắp bức “hoành biển” trên bờ nóc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện Dự án, công bố công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Chùa Huyền Kỳ là công trình kiến trúc cổ cách đây khoảng 600 năm. Chùa có lối kiến trúc theo kiểu chữ “Công”, kết cấu các toà đều theo hình thức 4 hàng chân gỗ với vì nóc kiểu chồng rường để tạo ra không gian khép kín giữa 3 toà: Tiền đường, Trung điện, Thượng điện. Xung quanh chùa đều xây bằng gạch nung và lợp ngói ri cổ.
Chùa Huyền Kỳ có hệ thống tượng Phật quý với hơn 335 pho tượng lớn, nhỏ và hai động: động Thủy và động Tiên. Tòa bái đường và thượng điện có 7 lớp tượng. Đặc biệt nhất là 2 bức phù điêu chạm nổi Thập điện dài 2,16m, rộng 1,02m đã được giới nghiên cứu Phật học và mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao.
Chùa Huyền Kỳ có hệ thống tượng Phật đầy đủ theo cách bài trí truyền thống của chùa Việt Nam, lại được người xưa điêu khắc tài hoa sơn son thiếp vàng công phu nên từ lâu đã nổi tiếng là chùa đẹp trong vùng.
Trong khuôn viên chùa, còn có đền Bà Chúa Lính linh thiêng. Bảo tàng Hà Tây (cũ) ghi lại: “Đền bà Chúa Lính là một di tích được xây dựng từ lâu đời thuộc quần thể di tích cổ của thôn Huyền Kỳ. Đền được xây dựng cạnh chùa nhìn về hướng nam. Nhân dân Huyền Kỳ từ bao đời nay vẫn truyền lại rằng: Bà Chúa Lính vốn là tướng quân Lê Hiệp, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa mùa xuân năm 40, ông đã theo Hai Bà Trưng đánh giặc. Theo lệnh của hai Bà để thuận lợi cho việc chỉ đạo chiến đấu ông phải cải trang làm nữ tướng.Sau khi ông mất, để tướng nhớ ông trong chiến đấu mà sinh thời ông đóng vai nữ tướng, nhân dân vẫn gọi đền này là đền Bà Chúa Lính”.
H.A