Di sản – Bảo tồn

Huyện Chương Mỹ quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị bền vững di sản văn hóa

Huyện luôn quan tâm tới việc quản lý, bảo vệ di tích tại các địa phương, liên kết khôi phục lễ hội truyền thống, vận động các nghệ nhân truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận… nhằm gắn việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Huyện Chương Mỹ có 374 di tích, trong đó có 170 di tích đã được xếp hạng, tiêu biểu như Di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian; có 88 lễ hội dân gian, 01 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đình Lưu Xá. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, trong nhiều năm qua, huyện Chương Mỹ đã luôn quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy giá trị bền vững cho di sản văn hóa.

Chùa Trầm được coi là một trong bốn ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng” của xứ Đoài.

Ảnh minh họa

Để nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của giá trị di sản văn hóa, huyện Chương Mỹ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị di sản, phổ biến các quy định pháp luật, ban hành các quy chế trong công tác quản lý, sử dụng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Hàng năm, huyện đều thực hiện việc khảo sát, kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng di tích trên địa bàn toàn huyện và đề xuất danh mục các dự án cần đầu tư, tu bổ, tôn tạo; lập dự án quy hoạch chi tiết các điểm di tích quan trọng và di tích có ảnh hưởng rộng; xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, trên cơ sở đó có giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị di sản văn hóa cho phù hợp. Từ năm 2016 đến năm 2020, huyện có 17 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo từ nguồn ngân sách và xã hội hóa với tổng kinh phí trên 74,6 tỷ đồng. Các công trình tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Huyện luôn quan tâm tới việc quản lý, bảo vệ di tích tại các địa phương; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa du lịch, quản lý di tích… cho cán bộ quản lý văn hóa, công chức văn hóa xã, đội ngũ quản lý, phục vụ tại các điểm di tích và người dân kinh doanh dịch vụ du lịch; liên kết khôi phục lễ hội truyền thống, vận động các nghệ nhân truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận…nhằm gắn việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Người dân tham quan chùa Trăm Gian luôn nêu cao ý thức phòng, chống dịch.

Ảnh: Chu Minh Khôi

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, đảm bảo trang trọng, thiết thực mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Có được kết quả đó là nhờ huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân; tuyên truyền, vận động Nhân dân địa phương và du khách thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đối với lễ hội văn hóa du lịch luôn bố trí hướng dẫn viên giới thiệu cho khách tham quan về giá trị của di tích, danh thắng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Lễ hội đình Lưu Xá được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia luôn được ưu tiên bảo vệ nhằm gìn giữ nét sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của huyện Chương Mỹ.

Năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện Chương Mỹ tạm dừng tổ chức lễ hội truyền thống; yêu cầu các điểm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện ngiệm các quy định về phòng, chống dịch. Cùng với đó, huyện luôn tích cực, chủ động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học tu bổ, tôn tạo di tích; truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể…với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

  Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *