Chưa được phân loại

Xây dựng văn hóa Hà Nội đậm đà bản sắc: Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường

Nhắc đến văn hóa là nhắc đến câu chuyện bản sắc. Và chính những chưng cất bản sắc đã làm nên nền văn hiến dân tộc. Văn hiến Thăng Long – Hà Nội được xem là “một sự kết tinh, là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến dân tộc” (GS Vũ Khiêu). […]

Nhắc đến văn hóa là nhắc đến câu chuyện bản sắc. Và chính những chưng cất bản sắc đã làm nên nền văn hiến dân tộc. Văn hiến Thăng Long – Hà Nội được xem là “một sự kết tinh, là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến dân tộc” (GS Vũ Khiêu).

Nhìn lại Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), thấy rõ ngọn lửa xuyên suốt “nghìn năm sau còn đủ sức soi đường” của bảo tồn bản sắc văn hóa mà từ đó Hà Nội phải thắp sáng lên mãi để bước tiếp bằng nội lực sáng tạo của mình.

Múa Ải Lao, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại đền Gióng Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngân Phạm

1. Nhà thơ Huy Cận, trong một bài viết về “phi thực dân hóa văn hóa” (in năm 1985) đã nói rõ: “Ngay từ năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho ra Đề cương văn hóa nêu lên định hướng dân tộc, khoa học, đại chúng và như vậy đã chuẩn bị cho nhân dân và đội ngũ trí thức bước vào công cuộc phục hưng đất nước. Chương trình văn hóa nêu trong Đề cương đã nhanh chóng tập hợp trí  thức, văn nghệ sĩ, giáo sư và các nhà hoạt động văn hóa trong Hội Văn hóa cứu quốc”.

Còn Giáo sư Phan Ngọc qua công trình “Một thức nhận về văn hóa Việt Nam” lại cho chúng ta biết: Trong chương trình Mặt trận Việt Minh công bố ngày 19-5-1941, lần đầu tiên vấn đề văn hóa được nêu lên: “Về văn hóa: Bài trừ văn hóa phản động, mở rộng nền văn hóa mới Việt Nam…”. Ông khẳng định: “Đặc biệt, năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh thảo ra và thông qua Đề cương văn hóa Việt Nam mở đường cho sự phát triển đúng hướng của văn hóa. Bản đề cương trước hết nêu lên tầm quan trọng của văn hóa, điều thực tình ít người, kể cả những người cách mạng, nhận thức được tầm quan trọng to lớn như vậy của nó”.

Thật vậy, ngay từ khi chưa giành được độc lập cho dân tộc, trong Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), Đảng ta đã chủ trương phát triển văn hóa với 3 định hướng lớn: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. Nội dung Đề cương văn hóa nhấn mạnh “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)”. Đây là căn cứ xác định vị trí quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước và là điểm tựa lý luận để Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Thủ đô Hà Nội ngày 24-11-1946, đã khẳng định vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Ánh lửa soi đường ấy là sự kết tinh các yếu tố trên, mà khởi đầu là “sự thức tỉnh ý thức dân tộc”.

Chúng ta cũng hiểu sâu sắc một điều rằng, phi thực dân hóa văn hóa mà nhà thơ Huy Cận nói trên phải được tiến hành bằng con đường duy nhất là giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp một cách kiên định cái gọi là căn cước văn hóa dân tộc. Điều này cũng lý giải vì sao sức mạnh tập hợp của Hội Văn hóa cứu quốc mà các nhà văn hóa đề cập ở trên nằm ngay trong chính tên gọi của tổ chức này.

2. Nói về ảnh hưởng của đường lối văn hóa từ thuở ban đầu, Giáo sư Phan Ngọc từng chia sẻ: “Mọi người sống vào năm 1945 đều có dịp thấy những đổi thay văn hóa phải nói là diệu kỳ, gần như không thể hình dung. Nhân dân đổ ra đường, không ai bảo ai, dọn sạch mọi đường sá, ngõ ngách, trang hoàng nhà cửa như ngày hội. Mặt khác các tục lệ bị xem là cổ hủ cũng mất theo… Điều đáng chú ý là nhân dân tự động làm, không phải do một mệnh lệnh từ trên xuống… Có một nền văn hóa tốt đẹp ở trong tâm hồn họ và họ chỉ chờ dịp làm chủ xóm làng, khu phố quê hương mình theo nền văn hóa ấy…”.

Soi chiếu từ lịch sử để thấy, Hà Nội đang đi đúng hướng trên chặng đường đi tới của mình, trong đó có sự tiếp lửa từ tinh thần văn hóa, sáng tạo của dân tộc. Danh hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO được xem là một động lực hơn là một đích đến.

Phát biểu dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam, cách nay gần 30 năm, nhà thơ Huy Cận từng nói về hai chữ “sáng tạo” trong sự gắn kết chặt chẽ với văn hóa: “Bản sắc văn hóa dân tộc chính là cái hạt nhân của tinh thần sáng tạo của dân tộc, truyền từ đời này qua đời khác, tất nhiên là được làm giàu thêm bằng những kinh nghiệm sống và sức sáng tạo của các thế hệ”.

Con đường mà Hà Nội đi tới trong việc củng cố nội lực để phát triển bền vững tương xứng với vị thế hạt nhân của nền văn hiến dân tộc chắc chắn không nằm ngoài con đường giữ lấy bản sắc Tràng An thanh lịch, văn minh, giàu bản sắc; đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống.

3. Ngay từ những ngày đầu của kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nhiệm vụ: “Kháng chiến văn hóa và văn hóa kháng chiến”. Nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Ôi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa, nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”. Sâu xa trong ngọn lửa cách mạng luôn là khát vọng bảo tồn bản sắc và phát triển văn hóa dân tộc mà ánh sáng của nó đủ sức soi đường cho hậu thế muôn nghìn năm sau.

Tiếp được ngọn lửa ấy, giữ được ánh sáng ấy là nắm được sức mạnh của dân tộc để vươn mình mạnh mẽ cùng dòng chảy đi tới của nhân loại.

Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra vào tháng 11 này, vì thế, là dịp để Hà Nội chuyển động mạnh mẽ hơn trong nắm bắt, tập hợp, phát huy nỗ lực sáng tạo, sự tâm huyết vì Thủ đô của văn nghệ sĩ, mọi người dân nhằm bồi đắp nội lực, phát triển thành phố xứng với vị thế của mình.

Theo Báo Hànộimới

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/825763/xay-dung-van-hoa-ha-noi-dam-da-ban-sac-nghin-nam-sau-con-du-suc-soi-duong

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *