Chưa được phân loại

Nghệ nhân – Công dân Thủ đô ưu tú Phan Thị Thuận: Sáng tạo dòng tơ lụa Việt

HNP – Được biết đến là người tiên phong, sáng tạo ra dòng lụa làm từ tơ sen và sản phẩm tơ, lụa do chính những con tằm tự dệt, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức vừa được thành phố Hà Nội trao tặng […]

HNP – Được biết đến là người tiên phong, sáng tạo ra dòng lụa làm từ tơ sen và sản phẩm tơ, lụa do chính những con tằm tự dệt, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức vừa được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” năm 2021 đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021).

Nghệ nhân – Công dân Thủ đô ưu tú Phan Thị Thuận

Huấn luyện những “chú tằm” thành “thợ dệt”

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có truyền thống lâu đời thuộc xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ngay từ lúc lên 5, 6 tuổi, bà Thuận đã biết trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Từ khi biết hái dâu, nuôi tằm đến nay, chưa có ngày nào bà rời xa nong tằm, nong kén.
Năm 2010, bà Thuận quyết định hướng đi mới cho ngành dâu tằm Việt Nam, đó là dùng con tằm làm thợ, dệt ra những tấm vải. Bà Thuận cho biết: “Sau bao năm trăn trở, hiểu từng nhất cử nhất động của con tằm, tôi đã bật ra ý tưởng cho con tằm thành người thợ dệt. Bản thân tằm đã tự đan cho mình chiếc kén đẹp hoàn hảo thì tại sao lại không khiến chúng tự dệt nên những tấm chăn…”.
Trên một mặt phẳng, tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn
Nghĩ là làm, ngày đêm bà mày mò bên những nong tằm, huấn luyện, điều khiển chúng dệt lụa. Bước đầu thử nghiệm, bà không làm tổ cho tằm mà để chúng nhả tơ một cách tự do. Vài chục con tằm do không có nơi bấu víu nên không thể cuộn tròn lại để cuốn kén, mà cứ bò lung tung theo bản năng. Bà lại phải bắt vào, sắp xếp chúng thành hàng lối. Ngày đêm, bà quên ăn quên ngủ trông coi, quan sát lứa tằm rút ruột nhả tơ.
Tằm không có tổ nên không thể kéo kén tròn theo lẽ thường. Nhưng do chức năng phải nhả tơ khi đến kỳ nên chúng buộc nhả tơ vào không gian. Bà Thuận đã đem đặt chúng sát với nhau trên một mặt phẳng và kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp, lại tiết kiệm được chi phí nhờ giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp như kéo kén, ươm tơ, cào bông… Mất 1 năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, rồi những tấm vải, tấm chăn do tằm tự dệt đầu tiên cũng đã hoàn thành.
Qua bao khó khăn, cuối cùng, bà Thuận cũng thực hiện được “giấc mơ cổ tích” của mình với việc huấn luyện tằm thành những “thợ dệt” siêu tài hoa. Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên có trong lịch sử loài người: Chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt Giải nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015. Từ đó tới nay, sản phẩm chăn bông; khăn quàng cổ; vải lụa tơ tằm… của bà Thuận lần lượt có mặt tại các thị trường khó tính như Nhật, Thái, Đức, Bỉ, Trung Quốc,…
Người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen
Huyện Mỹ Đức, Hà Nội không chỉ là “chốn tổ” của lá dâu, con tằm mà còn là “đất” của sen, diện tích vô cùng lớn. Nhưng thường thì mùa thu hoạch, người ta lấy phần hoa còn thân sen coi như đồ bỏ đi, không chỉ lãng phí mà còn gây ô nghiễm môi trường nghiêm trọng.
Điều đó đã khiến cho bà Thuận ấp ủ khát vọng về một loại tơ tinh khiết của thế giới thực vật được khai thác từ sen. Năm 2016, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về Mỹ Đức tìm người cùng tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Trong lòng bà Thuận vừa mừng vừa lo, vì đây chính là cơ hội cho bà thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của loài “quốc hoa” vào từng tấm lụa, mang đến khắp năm châu. Tuy nhiên, bà cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng vì sen không phải mùa nào cũng có và để lấy được tơ sen là một quá trình khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, khéo léo và mất rất nhiều tâm sức. “Làm sợi từ sen rất khó khăn. Sợi sen mong manh, se được sợi nhưng khi cho vào khung sợi lại đứt liên tục vì những đặc tính tự nhiên của nó”, bà Thuận cho biết.
Nhưng bằng đam mê, những ý tưởng mới luôn nung nấu trong bà và sau bao cải tiến bà đã cho ra đời khung dệt dành riêng cho tơ sen độ giật mềm mại, êm hơn. Nhờ đó mà những chiếc khăn từ cuống sen vừa ấm, vừa thoáng, nhẹ và những sợi tơ mềm mại còn phảng phất chút hương sen đã ra đời.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên những chiếc khăn từ tơ sen vừa ấm, vừa thoáng
Đến hết năm 2017, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã đồng ý là người cùng thực hiện đề tài và hi vọng vào sự thành công của tơ sen. Đến năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã được ra đời và đánh dấu thành công trong cuộc đời “se tơ dệt lụa” của nghệ nhân Phan Thị Thuận.
Năm 2019, bà Thuận đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen, từ tơ sen đó đã thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Ngay từ khi ra đời, lụa tơ sen đã tạo được tiếng vang trên khắp cả nước. Những mẫu khăn này đã được đoàn Chính phủ Việt Nam mang tới Hội nghị G20 làm quà tặng cho bạn bè quốc tế.
Người sáng tạo khẩu trang 3 lớp từ lụa tơ tằm
Không dừng lại ở đó, với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, bà Thuận tiếp tục cho ra đời những sản phẩm phù hợp hơn với mùa dịch Covid-19. Đó là khẩu trang lụa tơ tằm. Bà Thuận cho biết, dựa trên những đặc tính của tơ tằm như tính chất tự nhiên kháng khuẩn, thân thiện làn da, không gây kích ứng, dịu dàng, mát, bà đã nảy ra ý tưởng làm khẩu trang 3 lớp từ lụa tơ tằm vừa có tác dụng giúp làm đẹp da vừa có tác dụng phòng chống bụi bẩn và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Để làm nên những chiếc khẩu trang từ lụa tơ tằm chất lượng tốt, nuôi tằm là khâu quan trọng nhất. Do tằm rất mẫn cảm với các điều kiện sống nên môi trường nuôi cần bảo đảm sạch hoàn toàn, không có mùi hương liệu, không hóa chất, nếu không tằm sẽ bị chết. Chính vì vậy, sản phẩm lụa tơ tằm tự nhiên luôn là sản phẩm an toàn.
“Đối với khẩu trang của chúng tôi có sự đặc biệt, ở lớp giữa là có tấm kén phẳng do con tằm tự dệt. Khẩu trang có 3 lớp, lớp trong cùng là lớp lụa mỏng được dệt bằng tơ, lớp ngoài cùng dệt bằng tơ tằm thô từ những con kén phế để tạo ra phần cứng, ôm sát được mặt làm cho người đeo dễ chịu và rất thấm mồ hôi để làm da mát hơn”, bà Thuận khẳng định.
Tiếp lửa và truyền dạy cho thế hệ mai sau
Do các công đoạn sản xuất khẩu trang từ tơ tằm của đơn vị đều được làm thủ công nên mỗi ngày một người thợ chỉ có thể làm được 10 khẩu trang. Nhờ chất lượng, kiểu dáng vượt trội, mỗi chiếc khẩu trang được bán với giá 150.000 đồng/chiếc.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khẩu trang lụa tơ tằm của bà Thuận đã mở ra một hướng đi mới, tìm được đầu ra cho sản phẩm, để công ty có thể trụ vững và giúp cho nhiều nhân công của làng nghề có thêm việc làm và thu nhập trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của bà Thuận trong công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc, bà đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2016; năm 2015, được Huyện ủy Mỹ Đức tặng giấy khen về thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI); Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen năm 2015; Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen năm 2017, 2021. UBND huyện Mỹ Đức tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2016, 2018. Năm 2020, được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận sản phẩm vì sự phát triển cộng đồng. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng Bằng khen năm 2016, 2020. Năm 2020, được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Năm 2021, bà Thuận là 1 trong 9 cá nhân được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”năm 2021.
Theo Hanoi.gov.vn
https://hanoi.gov.vn/dsdoanhnghiep/-/hn/xDketMxZ5CEc/1201/2848746/nghe-nhan—cong-dan-thu-o-uu-tu-phan-thi-thuan-sang-tao-dong-to-lua-viet.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *