Tin tức - Sự kiện

Phát huy thế mạnh công nghiệp văn hóa để phát triển Thủ đô

Chiều 28/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác văn hóa và thể thao Hà Nội năm 2022 tại các điểm cầu trụ sở UBND Thành phố và trụ sở UBND các quận, huyện, thị xã.

Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo tổng kết tại Hội nghị, trong năm 2021, dù ngành Văn hóa Thủ đô gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, song ngành vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp vào thành công chung của thành phố.

Sự nghiệp văn hóa, thể thao tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm thực hiện. Có 144 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng nguồn kinh phí đầu tư là 1.389,067 tỷ đồng; thống kê 163 di tích đề xuất lập hồ sơ xếp hạng; 1.934 đền, điện, phủ thờ có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hiện kiểm kê; 71 nghệ nhân được Hội đồng cấp bộ thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể….. Các di tích, danh thắng đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện phòng chống dịch. Tiếp tục thực hiện dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Tổ chức tốt công tác phục vụ bạn đọc tại Thư viện Hà Nội. Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều hình thức đổi mới và sáng tạo. Việc huy động tốt nguồn lực xã hội hóa trong công tác tổ chức các hoạt động, sự kiện, khi các doanh nghiệp chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục là điểm sáng nổi bật của ngành văn hóa, thể thao Thủ đô.

Các Nhà hát thành phố tiếp tục khẳng định thương hiệu khi tham gia các Liên hoan nghệ thuật toàn quốc. Trong năm, các Nhà hát, nghệ sỹ của Thủ đô đã giành 01 huy chương vàng vở diễn xuất sắc; 01 huy chương vàng chương trình, 01 giải đạo diễn xuất sắc và 19 huy chương cá nhân.

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, với nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo. Hệ thống thiết chế văn hóa ngày một hoàn thiện: 28/30 quận, huyện, thị xã đã có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 136/579 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 4.236/5.403 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt…

Sự nghiệp thể thao ghi dấu ấn với thể thao thành tích cao với 679 huy chương; trong đó có 250 Huy chương vàng, 198 Huy chương bạc, 229 Huy chương đồng tại các giải thể thao trong nước; 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương đồng tại các giải thể thao quốc tế. Thể thao quần chúng hoàn thành mọi chỉ tiêu đề ra.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô đã nỗ lực vượt qua khó khăn, giành được nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào thành công chung của Thủ đô.

Năm 2022 là năm hiện thực hóa các chỉ tiêu theo lộ trình 5 năm, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu để tuyên truyền các nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa và thể thao; cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 bằng các đề án, chương trình trên địa bàn; giữ mối quan hệ hiệu quả với các sở, ngành liên quan đặc biệt là ngành du lịch; phát huy thế mạnh công nghiệp văn hóa, nhất là các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, điện ảnh…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tặng Bằng khen của Bộ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc của ngành Văn hóa, Thể thao Thủ đô

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu, thời gian tới, toàn ngành Văn hóa Thủ đô tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, từ đó huy động sự chung tay, góp sức vì sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, thể thao Thủ đô. Ngành cần tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách tăng cường sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng; kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Cùng với đó, ngành cần tham mưu UBND thành phố chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về văn hóa, hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổ chức đa dạng các hoạt động thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) về tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Khẩn trương hoàn thiện các công trình phục vụ SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 do thành phố quản lý và chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên tham dự sự kiện này, góp sức vào mục tiêu chung của đoàn thể thao Việt Nam là đứng thứ nhất toàn đoàn…

Tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, thay mặt ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng gửi lời cảm ơn trân trọng tới đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đã ghi nhận, đánh giá, biểu dương và chỉ đạo định hướng để ngành văn hóa và thể thao đạt nhiều thành tích hơn nữa trong năm 2022. Với sự quyết tâm và tinh thần sáng tạo, đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch Covid-19, trong năm 2022, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, bám sát nhiệm vụ chuyên môn được giao, phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô. Thực hiện chủ đề năm công tác 2022 của Thành phố, các phong trào thi đua và chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Triển khai hiệu quả các nội dung chương trình 06 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025” và Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển Công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tham mưu UBND Thành phố các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với UNESCO khi tham gia mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo”. Tổ chức thành công lễ khai mạc, bế mạc SEAGAME 31, chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng VĐV phục vụ công tác tổ chức thi đấu. Phấn đấu thể thao Hà Nội đóng góp từ 30% VĐV, 30% huy chương cho Thể thao Việt Nam tại SEAGAME 31 và ASIAD 2022. Đứng thứ nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022.

Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể, 4 cá nhân đạt nhiều thành tích cao trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao Thủ đô; tặng Cờ thi đua cho 4 tập thể có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hiệu quả tại các quận, huyện, thị xã.

Thanh Mai

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *