Nhằm triển khai hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện bình đẳng giới; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, UBND Tp Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Kế hoạch xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, 100% Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hàng năm. Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 – 15% so với năm 2025; Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 80% cơ quan truyền thông triển khai áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 100% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; Đến 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, chức, doanh nghiệp và người dân. Thường xuyên, định kỳ cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, giao lưu học tập kinh nghiệm, … về bình đẳng giới trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình, các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực dân cư; chú trọng hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng trong đó ưu tiên các nhóm vùng dân tộc, miền núi, địa bàn khó khăn, còn tồn tại nhiều định kiến giới, vùng bị dịch bệnh, thiên tai. Huy động sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, nam giới, thanh thiếu niên tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình trong chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền, phổ biến về bình đẳng giới và các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới, hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông trong các đợt cao điểm, ngày Lễ hàng năm như: Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12).
Đổi mới về hình thức và phương thức truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Chú trọng đưa thông điệp bình đẳng giới vào các sản phẩm truyền thông phù hợp, sáng tạo, hiệu quả và có tính lan tỏa tốt. Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông, kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các mô hình truyền thông, sản xuất tài liệu truyền thông phủ hợp cho các nhóm đối tượng.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện, kỹ thuật và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, tại nhà trường và cộng đồng. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; nhân rộng các mô hình: “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình không bạo lực, các câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực,…; trong xây dựng các thiết chế văn hóa, hương ước, quy ước; trong các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật của các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Triển khai, áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Đầu tư, xây dựng và nâng cao năng lực công tác tuyên truyền bình đẳng giới cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, biên tập viên, người làm công tác truyền thông, cộng tác viên ở các ngành, các cấp.
Tăng cường truyền thông về luật pháp, chính sách và những thành tựu, kết quả về bình đẳng giới của Hà Nội, Việt Nam cho bạn bè, đối tác quốc tế; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về các chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố về bình đẳng giới. 8. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.
Kịp thời biểu dương khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Kế hoạch và nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả.
UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, hướng dẫn, triển khai truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; vận động gia đình và cộng đồng xây dựng mối quan hệ hôn nhân, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình trong tình hình mới; xây dựng, phát động các phong trào gia đình tiến bộ, hạnh phúc, tôn trọng sự đa dạng và thúc đẩy sự sẻ chia. Đồng thời hướng dẫn việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các thiết chế văn hóa, hương ước, quy ước; lồng ghép nội dung truyền thông bình đẳng giới vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật của các cơ quan, tổ chức.
Tố Quyên