Nghệ thuật

Vượt “khó khăn” hoàn thành nhiệm vụ

Năm 2021, dịch Covid-19 đã khiến cho các hoạt động biểu diễn gần như đóng băng, thế nhưng năm qua, phòng Quản lý Nghệ thuật – Sở VHTT Hà Nội vẫn vượt “khó khăn” để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen.

Vở “Thuý Kiều – Một kiếp đoạn trường”  – Ảnh: NH Kịch Hà Nội

Phòng Quản lý Nghệ thuật là một trong những phòng chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (Sở VHTT) có chức năng tham mưu cho Ban Giám đốc Sở định hướng phát triển và quản lý hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thời gian qua, Phòng Quản lý Nghệ thuật luôn hoạt động hiệu quả với nhiều thành tích nổi bật được ghi nhận. Năm 2018, 2020, Phòng vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, năm 2019 và gần đây nhất là năm 2021, Phòng được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL).

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật

Năm 2021, là năm mà các hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên, Phòng Quản lý Nghệ thuật vẫn luôn phát huy được tính chủ động và hiệu quả trong công việc, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng thời gian và tiến độ theo chỉ đạo.

Vở “Làng song sinh” – NH Kịch Hà Nội

Đối với công tác quản lý nhà nước, cụ thể là việc tham mưu giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2021, Phòng được giao thụ lý, tham mưu giải quyết 21 thủ tục hành chính, tương ứng với đó là xây dựng và thực hiện 21 quy trình ISO. Trong đó bao gồm: Lĩnh vực điện ảnh (02 thủ tục); Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (10 thủ tuc); nghệ thuật biểu diễn (04 thủ tục); hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế chuyên ngành văn hóa (04 thủ tục); quản lý sử dụng vũ khí, sung săn, vật liệu nổ, công chụ hỗ trợ (01 thủ tục). Quá trình thụ lý, tham mưu lãnh đạo Sở giải quyết thủ tục hành chính luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đúng theo quy định ISO.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, căn cứ diễn biến đại dịch Covid-19, đánh giá cấp độ dịch của UBND Thành phố, chỉ đạo của lãnh đạo Sở, phòng Quản lý Nghệ thuật đã tham mưu giải quyết nhiều thủ tục hành chính theo thẩm quyền. Hàng năm, Phòng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Sở VHTT thực hiện rà soát, chỉnh sửa cập nhật ISO theo đúng quy định.

Vở “Làng song sinh” – NH Kịch Hà Nội

Cũng trong năm 2021, Phòng Quản lý Nghệ thuật đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội trong việc chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/ 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2717/QĐ-UBND ngày 23/6/2021 ủy quyền cho Sở VHTT thực hiện một số nội dung quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.

Phòng cũng đã tham mưu cho Ban Giám đốc Sở có văn bản hướng dẫn các đơn vị thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cấp cơ sở, cấp Thành phố và đã hoàn thành qtrình xét tặng cấp cơ sở. Đồng thời tiếp nhận tổng số 48 hồ sơ của các hội đồng cấp cơ sở, trong đó có: 16 hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và 32 hồ sơ xét tặng Nghệ sĩ ưu tú. Tổng hợp, kiểm tra, đánh giá quy đổi các loại huy chương, giải thưởng theo các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ thực hiện quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, tham mưu tổ chức họp Hội đồng thẩm định cấp Thành phố…

Chương trình “Thanh âm” – NH Ca Múa Nhạc Thăng Long

Trong năm vừa qua, triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, Phòng Quản lý Nghệ thuật đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành “Kế hoạch về bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca kịch truyền thống của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Tham mưu cho Ban Giám đốc Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo Nhà hát Kịch Hà Nội xây dựng Đề án “Sân khấu học đường”, Nhà hát Chèo Hà Nội xây dựng đề án cuộc thi “Giọng hát vàng Chèo Việt Nam”.

Với lĩnh vực quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật, Phòng Quản lý Nghệ thuật luôn thực hiện đảm bảo quy trình, thời gian, thủ tục hành chính và không có bất kỳ sai sót nào trong quá trình thụ lý hồ sơ. Năm 2021, tổng số hồ sơ Phòng đã cấp phép ( tính đến 15/11/2021) là 278 hồ sơ. Trong đó: Cấp 43 giấy phép cho chương trình biểu diễn; Cấp 50 giấy phép triển lãm mỹ thuật (trong đó có 4 Hồ sơ cấp phép phải tạm dừng vì dịch Covid-19); 51 giấy phép nhập khẩu tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh không nhằm mục đích kinh doanh; 130 giấy phép nhập khẩu bản ghi âm ghi hình ca múa nhạc sân khấu không nhằm mục đích kinh doanh…

Ngoài ra, Phòng Quản lý Nghệ thuật còn tham gia góp ý sửa đổi Luật điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội; Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.

Phát huy vai trò định hướng đối với hoạt động biểu diễn

Năm 2021, bám sát chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Phòng Quản lý Nghệ thuật đã tham mưu chỉ đạo các Nhà hát, các đơn vị nghệ thuật tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tập trung vào dịp kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước như: Kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, (30/4/1975 – 30/4/2021); Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Biểu diễn phục vụ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10)… Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các chương trình biểu diễn nghệ thuật đều được thực hiện bằng hình thức online, trực tuyến, ghi hình phát sóng trên Cổng Thông tin điện tử của Sở VHTT Hà Nội và trang thông tin điện tử của các Nhà hát.

Vở “Thuý Kiều – Một kiếp đoạn trường”  – Ảnh: NH Kịch Hà Nội

Một trong những hoạt động nổi bật trong năm 2021 là Phòng Quản lý Nghệ thuật đã tham mưu cho Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo các Nhà hát hoàn thành kế hoạch dàn dựng trong năm. Dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng năm qua, 6/6 Nhà hát của Hà Nội đã cho ra mắt 13 tác phẩm mới, đó là: “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường”, “Làng song sinh” (Kịch Hà Nội); “Chuyện tình một quân vương” (Chèo Hà Nội); Nhà hát Múa rối Thăng Long với “Tấm Cám”; Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ với các vở: “Cô bé bán diêm”, “TARZAN”, “Chúa tể rừng xanh”, “Chuyện nàng Bạch Tuyết”; Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long với các chương trình: “Phong sương Hà Nội”, “Thanh âm”, “Giai điệu tự hào”… Đặc biệt, năm 2021, vở kịch “Làng song sinh” của Nhà hát Kịch Hà Nội và chương trình nghệ thuật “Thanh âm” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long) đã giành được Huy chương Vàng tại các kỳ Liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc.

Vở “Thuý Kiều – Một kiếp đoạn trường”  – Ảnh: NH Kịch Hà Nội

Năm 2022, ngoài mục tiêu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ trọng tâm của năm như triển khai các hoạt động tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, ngày lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước, Phòng Quản lý Nghệ thuật quyết tâm cùng với các đoàn nghệ thuật của Thủ đô tìm ra những giải pháp hợp lý để duy trì và phát triển các hoạt động biểu diễn trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay.

Nhật Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *