Di sản – Bảo tồn

Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Ngự Câu, huyện Hoài Đức (giai đoạn 2)

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định Báo cáo KTKT tu bổ, tôn tạo di tích chùa Ngự Câu (giai đoạn 2).

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận về việc thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích chùa Ngự Câu (giai đoạn 2), xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội với nội dung: cải tạo giếng; tôn tạo nhà Mẫu, am hóa vàng, sân vườn và hạ tầng kỹ thuật di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý một số điểm: Về phương án mặt bằng tổng thể tu bổ, tôn tạo di tích: điều chỉnh vị trí công trình nhà Mẫu về phía Đông Nam của khuôn viên di tích để bảo đảm tường hồi bên hữu của nhà Mẫu bằng hoặc lùi về phía sau so với trụ biểu tiền tường Tam bảo. Sử dụng đèn pha đặt tại các góc khuất để chiếu sáng sân vườn di tích (thay cho phương án sử dụng cột đèn 4 bóng là không phù hợp);

Điều chỉnh phương án tôn tạo công trình nhà Mẫu: không sử dụng đề tài “chữ Thọ” để trang trí trong công trình; bờ nóc đắp đấu nắm cơm. Bổ sung phương án bảo vệ hiện vật, đồ thờ Mẫu trong suốt quá trình thi công; Nghiên cứu phương án sử dụng đá màu ghi nâu để xây dựng bề mặt giếng.

Để đảm bảo giữ gìn việc thờ tự trong văn hóa truyền thống, căn cứ hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia năm 1990, đề nghị không xây dựng mới lầu Cô, lầu Cậu.

Trong 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư cần gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để lưu trữ và quản lý di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện Báo cáo kinh tế – kỹ thuật, công bố công khai nội dung tôn tạo di tích trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

H.A

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *