Chuyện phim “ Chiều ngang qua phố cũ” xoay quanh cuộc sống của bốn anh em nhà họ Trần với cái tên rất đặc trưng cho một gia đình Hà Nội gốc : Hà, Thành, Thanh, Lịch. Bốn anh em, mỗi người một tính, nhưng họ rất thương yêu, tôn trọng nhau.
Cảnh trong phim
“ Chiều ngang qua phố cũ” ( Kịch bản : Nguyễn Hồng Trâm & Chu Hồng Vân; Đạo diễn Trịnh Lê Phong) – cái tựa như tên một bài thơ, một ca khúc lãng mạn về Hà Nội này là 26 tập phim truyền hình do VFC ( Trung tâm sản xuất phim TH Việt Nam) sản xuất, sẽ phát sóng tập đầu tiên vào ngày 2/12/2016 khung giờ Vàng – 20h45 tối, các ngày thứ 5, thứ 6 hàng tuần.
- Liệu có hấp dẫn khán giả bằng một đề tài không mới?
Đã có không ít phóng viên trong buổi họp báo ra mặt phim đã đặt câu hỏi liệu “Chiều ngang qua phố cũ” – với câu chuyện các gia đình trong một dòng họ đang phải đối mặt với một việc mà chỉ ít ngày trước đây, họ chưa từng bao giờ nghĩ đến, đó là có bán đi hay không căn nhà hương hỏa của cha mẹ để lại, nơi mà họ đã cất tiếng khóc chào đời, nơi được cha mẹ yêu thương nuôi dưỡng, để giải quyết những biến cố đột ngột ập tới trong mỗi gia đình – có phải là một phiên bản na ná của “Mùa lá rụng trong vườn”, một bộ phim khá tên tuổi trước đây?
Cảnh trong phim
Chuyện phim “ Chiều ngang qua phố cũ” xoay quanh cuộc sống của bốn anh em nhà họ Trần với cái tên rất đặc trưng cho một gia đình Hà Nội gốc : Hà, Thành, Thanh, Lịch. Bốn anh em, mỗi người một tính, nhưng họ rất thương yêu, tôn trọng nhau.
Hà, anh cả thuộc tuýp người nhu nhược, yên phận với công việc làm ăn bình bình, mọi công to việc lớn trong nhà đều phải nhờ đến tay vợ. Là con trai trưởng, nhưng anh phó thác việc đại sự cho các em. Hà ngấm ngầm bất mãn với vợ về nhiều điều, nhất là công việc vợ đang kiếm sống, nhưng Hà không chọn cách chia sẻ để tìm được tiếng nói đồng cảm với vợ, mà lại tìm vui, khuây khỏa bên cạnh một người phụ nữ khác.
Thành, con trai thứ, dân làm ăn tự do, buôn bất động sản. Là người cá tính, hào sảng, dám nói dám làm, quyết đoán toàn việc lớn cho cả đại gia đình. Ngày trẻ bất chấp sự ngăn cản của cha mẹ, Thành lấy cho bằng được một cô vợ tỉnh lẻ xinh đẹp, sắc sảo, để rồi dao sắc cũng chẳng gọt được chuôi, Thành không quản nổi vợ. Và chính vợ Thành là người châm mồi lửa xung đột, đề nghị bán nhà của cha mẹ chồng, để tất cả các con đều được hưởng hương hỏa cho công bằng. Vợ Thành lao vào cuộc quyết đấu với chồng, với anh em nhà chồng cũng bắt nguồn từ việc, Thành qua mặt cô, dâng mảnh đất riêng của hai vợ chồng vào việc chung của đại gia đình.
Thanh, con trai thứ ba. Một trí thức, có chuyên môn, bằng cấp cao nhưng không thức thời nên cũng chỉ dừng bước trước vị trí chuyên viên của một viện nghiên cứu. Thanh có một người bạn đời biết nhau từ thủa thanh mai trúc mã. Vợ chồng Thanh đang sống những ngày êm ấm, hạnh phúc thì sóng gió ập tới, không chỉ là câu chuyện phải bán nhà…
Lịch, cô em gái út thuần hậu, nết na, lấy chồng tỉnh lẻ, được các anh cho ở tại căn nhà của cha mẹ. Là con gái, phận út, nhưng Lịch thay cả ba ông anh quán xuyến hết thẩy việc chăm bẵm hương khói, thờ cúng cho ông bà, cha mẹ. Cái tin chị dâu quyết liệt đòi bán nhà khiến Lịch đứng ngồi không yên. Cô không sợ mất đi nơi ăn chốn ở của gia đình mình, mà cô đau đớn vì rằng “cha mẹ sẽ biết đi đâu về đâu?”, rồi bao nhiêu kỷ niệm của gia đình, hình ảnh của ông bà, cha mẹ rồi sẽ dần tan biến…
Cảnh trong phim
Những biến cố của từng gia đình dồn dập kéo đến khiến cuộc chiến đòi quyền lợi từ gia sản của cha mẹ để lại ngày càng trở nên căng thẳng hơn, đã xuất hiện những rạn nứt, chia rẽ và đổ vỡ…Và cuối cùng, những người con họ Trần đều sống trong cảm giác của nỗi tiếc nuối, sự dằn vặt và ân hận. Nhưng, cũng từ sự mất mát đó, mỗi thành viên trong gia đình họ Trần này đã thực sự cảm nhận sâu sắc được giá trị của huyết thống, của tình anh em ruột thịt, của nghĩa vợ chồng con cái.
Phim sẽ hấp dẫn người xem bởi câu chuyện của từng gia đình xoay xung quanh trục sự kiến chính là bán hay không bán ngôi nhà của cha mẹ. Từng gia đình, từng nhân vật trong bộ phim đều phải trải những biến động ngay từ sâu thẳm nội tâm của mình. Và từ đó, họ mới như chợt nhận ra được chính mình và những giá trị vĩnh cửu của tình cảm gia đình.
- Ai cũng đậm lòng yêu Hà Nội
Đạo diễn Trịnh Lê Phong cho biết : “Tôi nhận lời làm phim này cũng vì rất tâm đắc với câu chuyện phim. Một câu chuyện về đời sống và con người Hà Nội của ngày hôm nay, mọi thứ dường như đã thay đổi rất nhiều, nhưng ẩn sâu trong đời sống, trong mỗi con người vẫn là cái hồn cốt của ông bà xưa nay, đó là truyền thống sống trọng đạo lý, hướng thiện và cho dù trải qua nhiều biến cố thì cái cốt cách đó vẫn được người Hà Nội lấy làm trọng, để làm điểm tựa cho họ vượt qua được sóng gió, thách thức trong cuộc đời. Cá nhân của từng nhân vật trong phim là một câu chuyện nhỏ, với đời sống nội tâm phong phú. Và tổng thể sẽ là một bức tranh sinh động với những mạch chảy ngầm, lúc êm ả, khi dữ dội đến bất ngờ.”
Đạo diễn Trịnh Lê Phong và hai nữ biên kịch Chu Hồng Vân & Nguyễn Hồng Trâm ( từ phải sang trái)
NSND Bùi Bài Bình ( vai Hà) đã tâm sự : “Tôi sinh ra và lớn ở Hà Nội nên rất thích kịch bản này, đậm chất Hà Thành. Nhiều người sẽ cho là đề tài này cũ, nhưng xem thì mới biết, đây là một câu chuyện mới của thế hệ tuổi trung niên chúng tôi, của tuổi trẻ lớp con cháu chúng ta hôm nay. Chuyện phim có cả những xung đột về quan niệm sống, nhận thức giữa lớp trung niên với giới trẻ. Ngoài ý tưởng nhân văn gửi gắm vào chuyện ngôi nhà, phim còn muốn gửi đến thế hệ trẻ thông điệp rằng, hãy giữ lấy nét tinh hoa của Hà Nội, không chỉ là ở những ngôi nhà, mà còn ở tinh thần của con người”.
NSDN Bùi Bài Bình – vai Hà
Còn NSND Anh Tú ( vai Thành) thì hào hứng cho biết : “Đã lâu tôi không làm phim truyền hình, phần vì bận rộn , phần vì tôi cũng khá kỹ tính khi lựa chọn kịch bản. Với kịch bản “Chiều ngang qua phố cũ”, tôi đã nhận ngay sau khi đọc xong, kịch bản rất tốt, và tôi rất hứng thú với câu chuyện và nhân vật Thành trong phim”.
NSDN Anh Tú – vai Thành
Với nữ NSƯT Minh Trang – diễn viên ngôi sao cuả sân khấu kịch Hà Nội một thời hiện đang sinh sống tại Singapore – thì việc nhận lời tham gia “Chiều ngang qua phố cũ” giống như “ nhân duyên”. Vì bận việc riêng, chị đã tưởng phải từ chối vai diễn, may mắn, đạo diễn quyết định rời lịch quay, để Minh Trang có thể thu xếp được thời gian tham gia. Minh Trang rất thích vai Phương, một kiểu phụ nữ Hà Nội khá đặc trưng của lối sống cũ. Nhân vật của chị hết lòng hy sinh vì gia đình, vì chồng con, nhưng là một thứ tình cảm vị kỷ, không thích bao đồng việc người khác, né cả trách nhiệm làm dâu trưởng, chỉ chăm vun vén cho gia đình mình. Minh Trang tâm sự “ Càng đóng tôi càng thương nhân vật Phương. Cảnh cuối, khi Phương lang thang, đơn độc trên cây cầu mà khóc , lòng tôi cũng quặn thắt lại. Sau cảnh quay này, tôi bị ám ảnh buồn cho thân phận người phụ nữ Việt mất mấy ngày”.
NSƯT Minh Trang – vai Phương
NSƯT Công Lý – vai Tuyền
NSƯT Kim Oanh – vai Mai Hoa
NSƯT Hoàng Lan & NS Xuân Trường – Vai Hạnh và Thanh
NS Hoa Thúy – vai Lịch
“Chiều ngang qua phố cũ” qui tụ được một ê kíp diễn viên rất tên tuổi, ngoài Bùi Bài Bình, Minh Trang, Anh Tú thì đảm nhận những nhân vật anh em dâu rể nhà họ Trần còn lại là những gương mặt đình đám như NSƯT Công Lý, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Hoàng Lan, NS Hoa Thúy, NS Xuân Trường…Ai cũng bầy tỏ tình yêu sâu đậm với Hà Nội, và đó là điều khiến họ rất thích thú khi nhận vai.
- Nơi hội ngộ của nhân duyên
Như NS Minh Trang đã tâm sự, đây là một bộ phim của ” nhân duyên hội ngộ “, Quả đúng như vậy. Với Minh Trang, đây là phim TH dài tập đầu tiên chị tham gia sau bao nhiêu năm vắng bóng, cũng lần đầu tiên trở lại phim trường phía Bắc với một đề tài chị hằng mơ ước – Hà Nội. Nghệ sĩ Công Lý và đạo diễn Trịnh Lê Phong chơi với nhau đã 20 năm, nhưng đây là lần đầu tiên Công Lý tham gia phim của Phong. Và cũng là lần đầu tiên NS Công Lý ấm ức tuyên bố mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng chưa bao giờ được đóng vai người Hà Nội. Đây là phim đầu tiên đậm chất Hà Nội nhất mà anh được tham gia, nhưng anh vẫn vào vai chàng rể có nguồn gốc từ vùng biển Cát Bà. Hay đạo diễn Trịnh Lê Phong khi còn là cậu bé 10 tuổi đã từng được một trong hai nhà biên kịch nữ ” bế trong lòng” mỗi khi cậu bé được đến rạp xem phim, để sau 30 năm gặp lại, họ vẫn nhận ra nhau, và cùng hợp tác trong vai trò biên kịch & đạo diễn. Rồi tình bạn giữa hai nhà biên kịch nữ Nguyễn Hồng Trâm và Chu Hồng Vân cũng đã bền chặt ngót 20 năm. Họ đều là dân làm báo, một người làm chuyên về mảng văn hóa nghệ thuật, một người chuyên về mảng giáo dục, đào tạo. Viết kịch bản phim là nghề tay trái, nhưng cả hai đều thú nhận nghề tay trái viết “ phê” ngòi bút hơn nghề tay phải. Vì ở đó họ được thỏa sức viết những điều mình trăn trở, tư duy, được viết những điều mình thích, được chia sẻ những điều mình muốn thông qua những câu chuyện, những số phận mà mình xây dựng nên. “ Chiều ngang qua phố cũ” là phim thứ ba họ hợp tác viết chung. Ngoài đời, câu chuyện giữa họ luôn thân tình, nhưng khi bắt tay vào viết chung, hầu như kịch bản nào họ cũng có xung đột và tranh luận. Và “ Chiều ngang qua phố cũ” được họ bật mí là bộ kịch bản ít xung đột nhất, vì cả hai đều có những điều tương đồng về cảm xúc, tình yêu, cách nhìn đa diện về Hà Nội, và con người Hà Nội ngày hôm qua và hôm nay.
Tô Thị Thúy Nga
( MASK)
Ảnh : nguồn VFC