Tin tức - Sự kiện

Khai mạc triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám giai đoạn 1884-1945 qua tài liệu lưu trữ”

Chiều 16/1, tại sân Thái Học, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã khai mạc triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám  giai đoạn 1884 – 1945 qua tài liệu lưu trữ”. Tới dự  triển lãm có các đồng chí: Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở […]

Chiều 16/1, tại sân Thái Học, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã khai mạc triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám  giai đoạn 1884 – 1945 qua tài liệu lưu trữ”. Tới dự  triển lãm có các đồng chí: Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội; Phó Giáo sư Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội di sản văn hóa Việt Nam; Đặng Văn  Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam;  Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội sử học Việt Nam; Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội; Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia; Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám…

Triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám  giai đoạn 1884 – 1945 qua tài liệu lưu trữ trưng bày” giới thiệu gần 100 hình ảnh, tài liệu, bản đồ giúp người xem hiểu thêm về một giai đoạn đầy thăng trầm của Văn Miếu- Quốc Tử Giám: Dưới thời Lý- Trần- Lê (thế kỷ XI- XVIII), Văn Miếu- Quốc Tử Giám Thăng Long/Hà Nội là trung tâm thờ tự, giáo dục và đào tạo quan lại, trí thức nho học lớn nhất đất nước. Đến đầu triều Nguyễn (thế kỷ XIX), Văn Thánh Miếu và Quốc Tử Giám Huế được xây dựng tại Phú Xuân, Văn Miếu- Quốc Tử Giám Thăng Long bị thu hẹp dần, mất đi chức năng trường học và chỉ còn là Văn Miếu hàng tỉnh (còn được  gọi trong các văn bản hành chính thời Pháp thuộc là “Văn Miếu Hà Nội” hay “Chùa Quạ”). Trong giai đoạn 1884 – 1945, đặc biệt là thời kỳ trước năm 1900, Văn Miếu cũng như nhiều di tích lịch sử khác ở Hà Nội bị biến đổi công năng sử dụng. Di tích lúc thì bị biến thành trại lính khố đỏ, lúc thành trường lính  khèn của Quân đội viễn chinh Pháp, khi lại thành bệnh xá của Thành phố; mặt bằng diện tích bị chia cắt, chiếm dụng vào các mục đích dân sự… Những sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh bảo tồn di sản của nhân dân Hà Nội, Hà Đông do các sĩ phu yêu nước dẫn đầu trong suốt 61 năm (1884- 1945). Cuối  cùng, trước sự kiên trì, bền bỉ bảo vệ Văn Miếu của người Việt và sự ủng hộ của các trí thức Pháp tiến bộ tại Hà Nội, Văn Miếu đã được trả lại cho người Việt Nam thờ cúng, sau đó được xếp hạng bảo vệ (năm 1905 được xếp hạng là công trình lịch sử cần được bảo vệ của thành phố Hà Nội; năm 1952 được xếp hạng là công trình lịch sử cần được bảo vệ của xứ Bắc Kỳ). Về sau, Văn Miếu được tu sửa, bảo vệ và hoàn trả lại những phần đất bị chia cắt ra khỏi di tích (điển hình là việc hoàn trả lại Hồ Văn năm 1940). Từ thời kỳ đó cho đến giai đoạn sau này, Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã từng bước được quản lý, bảo tồn phát huy giá trị đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, 82 bia tiến sỹ được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.

Sự tồn tại và đứng vững của Di tích trong giai đoạn chiến tranh đầy khốc liệt này một lần nữa chứng minh cho sức mạnh tinh thần của những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc đã, đang và mãi mãi được lưu giữ và bảo tồn tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Triển lãm được tổ chức từ 16/01 đến 16/3/2017.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

1

Đồng chí Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc triển lãm

2

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Khánh Vân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *