Gia đình

Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) cũng như xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ hoàn thành, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình.

Kế hoạch này là căn cứ để các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (sau đây viết tắt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành kế hoạch triển khai và chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình.

Gia đình hạnh phúc. Ảnh minh họa

Kế hoạch bao gồm 8 nội dung cơ bản như sau:

1. Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

2. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình: Rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp trong tổ chức, triển khai, thực hiện Chương trình. Xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan về thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ về gia đình tiêu biểu, hạnh phúc, kiểu mẫu.

3. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình: Phát huy hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao góp phần xây dựng con người Việt Nam khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Củng cố vai trò của hệ thống nhà văn hóa, nhà truyền thống, thư viện cơ sở, các thiết chế công trình văn hóa, lịch sử; phát triển đa dạng các loại hình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các sinh hoạt cộng đồng khác trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, chuẩn mực ứng xử văn hóa cho các thành viên gia đình, nhất là thế hệ trẻ. Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

4. Phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống: Truyền thông vận động ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương trong giáo dục đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thế hệ trẻ thanh, thiếu niên, nhi đồng. Tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2022-2025; 2025-2030 nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình: Khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng. Ứng dụng phần mềm, công cụ trên không gian mạng để nắm bắt thông tin, định hướng dư luận về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những rủi ro, xung đột, bạo lực trong gia đình.

6. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

7. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan định kỳ hằng năm kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo cấp thẩm quyền kết quả thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chương trình vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Kế hoạch này, tham mưu Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành kế hoạch của địa phương triển khai thực hiện Chương trình; Tổ chức lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án của ngành tại địa phương;  Chú trọng phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đặc biệt ở cấp cơ sở; Quan tâm bố trí, cân đối nguồn lực của ngành tại địa phương bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Phát triển mạng lưới cộng tác viên tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình tại cơ sở; Hướng dẫn lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào quy ước, hương ước ở cộng đồng dân cư;…

H.A

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *