Văn hóa cơ sở

Tiếng cồng chiêng ngân vang gọi mùa Xuân về

Khi trời đất giao hòa với đại ngàn hùng vĩ, tiếng cồng chiêng ngân vang ở khắp các bản làng người Mường (huyện Thạch Thất) như gọi mùa Xuân về.

Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi
Mãi còn đây nền văn hóa quê mình
Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương
Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng…

Cồng chiêng chính là một loại nhạc khí dân tộc, biểu tượng văn hóa của người Mường. Đồng bào Mường ở 3 xã  Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung coi tiếng chiêng như ngôn ngữ để giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên, giữa người với người, cầu mong cho nhân khang, vật thịnh. Đặc biệt, với người Mường, tiếng chiêng vào dịp lễ hội hay ngày Tết cổ truyền thể hiện cho sự may mắn, thay lời chúc cho gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, thôn, bản no ấm, yên vui. Một bộ cồng chiêng của người Mường ở Thạch Thất thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng đủ đầy, no ấm trong năm. Mỗi chiếc chiêng lại giữ một vai trò khác nhau trong bộ âm: Bùng, bính, boong và đòi hỏi mỗi người khi tham gia chơi phải ăn khớp một cách nhuần nhuyễn.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn có công gìn giữ loại hình nghệ thuật cồng chiêng. Ảnh: Hồng Phúc

Nhằm phát huy giá trị của cồng chiêng, năm 2009, UBND huyện Thạch Thất đầu tư 6 bộ cồng chiêng cho ba xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Năm 2016, UBND huyện Thạch Thất xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, phấn đấu 100% các thôn, bản có đội chiêng và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, huyện Thạch Thất đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của bản sắc văn hóa Mường. Quán triệt, tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc tinh thần Đề án gắn với hoàn thiện hương ước, quy ước thôn, làng văn hóa tại cơ sở… Đồng thời hỗ trợ các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung mua thêm cồng chiêng. Người dân các thôn cũng chủ động mua sắm nhiều bộ chiêng Mường. Đến nay, các xã có hơn 60 bộ chiêng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường trong đời sống đương đại. Một trong những người có công gìn giữ loại hình nghệ thuật này suốt hàng chục năm qua có thể kể tới là Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn. Từ niềm yêu thích cồng chiêng, hát múa dân gian, bà Thìn đã sưu tầm, gìn giữ các bài chiêng, lời ca, điệu hát ví cổ. Đồng thời, truyền lại cho các thành viên trong đội văn nghệ, giới thiệu và biểu diễn cồng chiêng phục vụ bà con Nhân dân các thôn, xã trên địa bàn huyện…

Nghệ thuật cồng chiêng thấm sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Ảnh: Kim Duyên

Cồng chiêng tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp, phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Những giai điệu cồng chiêng khi trầm, khi bổng phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân xứ Mường trong lao động sản xuất, tình yêu, cuộc sống… cứ thế tạo nên bản hợp xướng hùng tráng, đắm say trong không gian văn hóa Mường.

Thảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *