Văn hóa cơ sở

Huyện Thanh Trì quan tâm bảo tồn và phát huy các điệu múa cổ, múa dân gian

Từ năm 2010, Thanh Trì đã xây dựng đề án “Hỗ trợ đầu tư khôi phục và phát triển các điệu múa cổ, múa dân gian trên địa bàn huyện”. Đề án đặt ra mục tiêu duy trì hoạt động thường xuyên 17 đội rồng, 18 đội múa sư tử, 27 đội múa sênh tiền…tại các xã trên địa bàn huyện, đồng thời phát triển múa rồng tại các xã Tả Thanh Oai, Duyên Hà, Yên Mỹ, Thanh Liệt và thị trấn Văn Điển.

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi có nhiều điệu múa cổ, múa dân gian, huyện Thanh Trì đã luôn dành sự quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, từ năm 2010, Thanh Trì đã xây dựng đề án “Hỗ trợ đầu tư khôi phục và phát triển các điệu múa cổ, múa dân gian trên địa bàn huyện”.

Đề án đặt ra mục tiêu duy trì hoạt động thường xuyên 17 đội rồng, 18 đội múa sư tử, 27 đội múa sênh tiền…tại các xã trên địa bàn huyện, đồng thời phát triển múa rồng tại các xã Tả Thanh Oai, Duyên Hà, Yên Mỹ, Thanh Liệt và thị trấn Văn Điển. Riêng đối với xã Tân Triều thì khôi phục đội múa trống cổ, múa chạy cờ và phát triển đội múa bồng để xây dựng lễ hội xã Tân Triều thành một lễ hội lớn, tiêu biểu và độc đáo của Hà Nội.

Tiết mục múa rồng tại Liên hoan múa gian gian năm 2022

Tại thời điểm xây dựng đề án (tháng 5/2010), theo báo cáo, huyện Thanh Trì có 17 đội múa rồng với 19 con rồng ở 10 xã, 14 đội múa sư tử, 27 đội múa sênh tiền ở 12 xã, 79 đội tế lễ ở 15 xã, có đội múa bồng, múa trống cổ, múa chạy cờ ở xã Tân Triều… Tuy nhiên, số rồng, sư tử còn sử dụng được rất ít, 6 đội múa sênh tiền và 36 đội tế lễ không còn khả năng hoạt động; các đội múa bồng, múa trống cổ, múa chạy cờ ở xã Tân Triều tuy vẫn hoạt động nhưng không thường xuyên…Đặc biệt, tất cả các đội múa đều do các thành viên tự nguyện tham gia, tự đóng góp kinh phí nên hoạt động không đều, chất lượng không cao, việc truyền dạy đôi khi không đúng bài bản…

Tiết mục múa sênh tiền tại Liên hoan múa gian gian năm 2022

Thực tế cho thấy, múa cổ Hà Nội nói chung, múa cổ, múa dân gian ở Thanh Trì nói riêng gắn với đời sống tinh thần của người dân, là giá trị văn hóa của đất văn hiến nghìn năm. Khi xem các điệu múa cổ, từ cách biểu hiện, kiểu cách, màu sắc trang phục, đạo cụ, đặc biệt là ngôn ngữ, đều mang cảm giác gần gũi, thân thiện. Ngoài yếu tố phục vụ cho tín ngưỡng, múa cổ còn có tính trình diễn, thẩm mỹ cao. Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ Hà Nội không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.

Thực hiện Đề án, nhiều năm qua, huyện Thanh Trì đã duy trì việc tổ chức Liên hoan các điệu múa dân gian nhằm kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp tục phát triển sâu rộng các điệu múa dân gian. Qua đó bảo tồn, phát huy các điệu múa cổ truyền của dân tộc, tạo sức lan tỏa trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư, là dịp để các đội múa được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nâng cao trình độ kỹ thuật, nghệ thuật, là sân chơi bổ ích góp phần vào thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Năm 2022, Liên hoan múa dân gian  thu hút sự tham gia của 48 đội thi đến từ 16 xã thị trấn tranh tài ở 3 nội dung: Múa rồng, múa sư tử và múa sênh tiền. Các đơn vị đã mang đến cho người xem các tiết mục đặc sắc, ấn tượng, được đông đảo khán giả dành nhiều tràng vỗ tay khen ngợi. Điều đó là minh chứng cho tính hiệu quả của Đề án, sức sống của các điệu múa cổ, múa dân gian đã được khôi phục, phát huy giá trị trong cuộc sống hàng ngày.

Múa rồng có mặt tại nhiều sự kiện lớn của huyện

Các Liên hoan múa dân gian huyện Thanh Trì được tổ chức bài bản, thu hút sự tham gia của đông đảo các câu lạc bộ đến từ 16 xã, thị trấn. Các câu lạc bộ đã nghiêm túc luyện tập cũng như dành sự đầu tư cho các tiết mục tham dự Liên hoan. Chính vì vậy, các tiết mục đều có chất lượng cao về nghệ thuật. Liên hoan là cơ hội để các câu lạc bộ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm đồng thời tiếp thêm sức mạnh để các câu lạc bộ, các thành viên tiếp tục dành tâm huyết, sức lực trong giữ gìn, phát huy giá trị của các điệu múa dân gian trong dòng chảy cuộc sống đương đại.

Bên cạnh việc tổ chức Liên hoan múa dân gian, huyện Thanh Trì còn triển khai nhiều giải pháp để khôi phục, duy trì các điệu múa cổ, múa dân gian: Mời Giảng viên của Trường Cao đẳng nghệ thuật múa Việt Nam về giảng dạy cho các câu lạc bộ; đưa các điệu múa cổ, múa dân gian vào giảng dạy trong các trường THCS; tạo điều kiện để các câu lạc bộ có “đất” biểu diễn tại các sự kiện của địa phương, của huyện, tham gia các Liên hoan, Hội diễn của Thành phố…

Trong hành trình phấn đấu lên quận, huyện Thanh Trì  đã, đang và sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị các điệu múa cổ, múa dân gian – các vốn quý mà ông cha để lại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Ngọc Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *