Di sản – Bảo tồn

Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ”

Các ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm  của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những người nắm giữ và thực hành di sản Hội thề Trung Hiếu nhằm làm rõ hơn giá trị rõ hơn ý nghĩa lịch sử, giá trị tốt đẹp của Di sản Văn hóa “Hội thề Trung Hiếu, Đền Đồng Cổ” .

Sáng 15/3/2023, tại đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) Sở Văn hóa  và Thể thao Hà Nội phối hợp với Quận ủy- UBND quận Tây Hồ tổ chức tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ”.

Các đại biểu làm lễ dâng hương 

Chủ trì tọa đàm có các đại biểu: Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Tây Hồ; đồng chí Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ.

Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc Tọa đàm

 

Các đại biểu chủ tọa Tọa đàm

Đến dự tọa đàm có các nhà khoa học: GS. Trần Văn Lan; GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hồi đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa; TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; TS Phạm Cao Quý, Phó Trưởng phòng Quản lý Dí ản  văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa, (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); đại diện Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội; đại điện Quận ủy, UBND và các ban ngành quận Tây Hồ, phường Bưởi; đại diện Tiểu ban Quản lý di tích Đông Xã cùng cộng đồng nắm giữ và thực hành di sản Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh: “Thành phố luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngày 18/02/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025; Nhằm triển khai Kế hoạch số 55, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Quận ủy – UBND quận Tây Hồ tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội”.Buổi Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng địa phương trao đổi, nhận diện giá trị di sản Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ và định hướng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh lễ hội truyền thống thuộc khu vực nội thành với những tác động mạnh mẽ của quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa. Các ý kiến tại buổi tọa đàm là cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và cộng đồng xây dựng và đề xuất các chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội nói chung và di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ nói riêng”.

Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Đền Đồng Cổ ven Hồ Tây được xây dựng năm 1028, thời Lý. Ngôi đền thờ thần Trống Đồng linh thiêng, gắn liền với hội thề “Trung hiếu” với đạo lý sâu sắc, bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tông tại làng Đông xưa, hiện nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đền được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử tại Quyết định số 138/QĐ ngày 31 tháng 01 năm 1992.

Đền Đồng Cổ bên Hồ Tây có vị trí quan trọng, gắn liền với hội thề “Trung hiếu” là nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Có một điểm đặc biệt nổi bật của Đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, đó là: mặc dù đây không phải là nơi gốc tích thờ Thần Đồng Cổ, bởi vốn nơi Đền thờ Thần Đồng Cổ ở Núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, chỉ ở Đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ mới có Hội thề Trung hiếu. Một lễ hội duy nhất, độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách Việt Nam, truyền thống Việt Nam. Xưa kia, Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Triều đại Lý, kể từ năm 1028, khi Vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Ngày nay, cứ tới ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, chính quyền và Nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ phát biểu tại Tọa dàm

Tọa đàm đã được lắng nghe 9 ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện Tiểu ban Quản lý di tích Đông Xã. Các ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm  của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những người nắm giữ và thực hành di sản Hội thề Trung Hiếu nhằm làm rõ hơn giá trị rõ hơn ý nghĩa lịch sử, giá trị tốt đẹp của Di sản Văn hóa “Hội thề trung hiếu, Đền Đồng Cổ” . Đây cũng là cơ hội để chính quyền và nhân dân trên địa bàn Quận hiểu rõ vai trò và giá trị văn hóa của di sản “Hội thề Trung Hiếu, Đền Đồng Cổ”, ý thức sâu sắc về niềm vinh dự và trách nhiệm góp phần chung tay bảo vệ để “Hội thề trung hiếu, đền Đồng Cổ” ngày càng phát huy giá trị văn hóa và lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt, các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, sự cần thiết lập hồ sơ công nhận Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ đã trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, Tiểu ban Quản lý Di tích Đông Xã. Trong thời gian tới, Quận ủy – UBND quận Tây Hồ rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các nhà khoa học để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ cũng như triển khai các công việc để Hội thể Trung Hiếu đền Đồng Cổ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nguyễn Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *