Tiêu điểm Hà Nội

Hà Nội tập trung phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số 

Xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính nên ngay từ những tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, tăng tốc triển khai nhiệm vụ; nhiều ứng dụng mới bước đầu phát huy hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.  

Giải quyết thủ tục hành chính cho công dân tại bộ phận

Ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, quan điểm, định hướng của Nghị quyết là việc triển khai chuyển đổi số thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo tinh thần chỉ đạo tại Đề án 06 của Chính phủ để phục vụ 05 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp phục vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TU, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa, xây dựng một chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế xã hội.
Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 343/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 về việc vận hành chính thức Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành Thành phố; Quyết định số 343/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 về việc vận hành chính thức Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 01/3/2023 về việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo tăng cường việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng dịch vụ công Quốc gia; ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn Thành phố; kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ…
Trong Quý I/2023, Thành phố cũng đã đưa vào và vận hành chính thức Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành Thành phố, Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; tiếp tục triển khai Hệ thống họp trực tuyến đến 579 xã, phường, thị trấn; duy trì và vận hành ổn định hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống hòm thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp; hệ thống thông tin báo cáo…
UBND Thành phố cũng vừa có Quyết định số 1643/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thư điện tử thành phố Hà Nội. Hệ thống được triển khai tập trung đến 3 cấp chính quyền trong thành phố. Cấp thành phố Hà Nội (Thành ủy Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, HĐND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; các Sở, ban, ngành và đơn vị trực thuộc thành phố Hà Nội; các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan); cấp huyện (các phòng, ban, đơn vị trực thuộc); cấp xã.
Nhiều cơ quan của thành phố Hà Nội đã lắp màn hình cảm ứng để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Một số cơ quan, đơn vị đã triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, tổ dân phố tại các quận, huyện như: Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thành Xuân, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đông Anh,…
Tại huyện Thường Tín, cùng với việc yêu cầu các xã áp dụng hệ thống điện tử đánh giá chất lượng phục vụ của công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”, mới đây, UBND huyện còn triển khai quét mã QR để khảo sát sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” tại các xã. Sau khi quét mã, phiếu khảo sát hiện lên 2 phần: Thông tin chung (gồm tên bộ phận “một cửa” và lĩnh vực thủ tục hành chính) và nội dung khảo sát (gồm câu hỏi về cơ sở vật chất, thái độ giao tiếp của công chức… để công dân trả lời vào ô “có” hoặc “không”). Với cách này, UBND huyện Thường Tín biết được thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức các xã trong giải quyết thủ tục hành chính.
Còn tại UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), công chức luôn cố gắng đáp ứng việc giải quyết TTHC một cách nhanh nhất. Nhận xét về điều này, anh Bùi Ngọc Nam (ở tổ dân phố số 26, phường Đại Kim) làm TTHC tại bộ phận “một cửa” của phường cho biết: “Tôi đến đính chính hồ sơ do gia đình ghi sai thông tin đã được công chức hướng dẫn nhiệt tình, chỉnh sửa thông tin ngay trên máy tính nên rất hài lòng”.
Những nỗ lực ở các đơn vị, địa phương cho thấy sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của chuyển đổi số, của công tác CCHC trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành uỷ. Đây cũng là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện được các mục tiêu thành phố Hà Nội đã đề ra trong Kế hoạch CCHC nhà nước năm 2023: Phấn đấu Chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp trong nhóm 8 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt tối thiểu 89%; 100% hồ sơ TTHC được trả kết quả đúng hạn và trước hạn…

 

Phạm Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *