Đối với mỗi thành viên trong gia đình bà Phạm Thị Phinh, Tổ dân phố số 4, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, ai ai cũng có ý thức, trách nhiệm “giữ lửa” và “thắp lửa” cho chính “tổ ấm” của mình.
Có một câu nói quen thuộc: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Đối với mỗi thành viên trong gia đình bà Phạm Thị Phinh, Tổ dân phố số 4, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, niềm hạnh phúc ấy luôn tràn đầy bởi ai ai cũng có ý thức, trách nhiệm “giữ lửa” và “thắp lửa” cho chính “tổ ấm” của mình. Gia đình bà Phạm Thị Phinh đã nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, Gia đình văn hóa tiêu biểu. Năm 2020, gia đình bà được công nhận Gia đình hiếu học tiêu biểu của Thủ đô. Năm 2023, gia đình bà được UBND Thành phố tặng Bằng khen Gia đình văn hóa tiêu biểu.
Đại gia đình hạnh phúc của bà Phinh
Ông My, bà Phinh nên duyên vợ chồng từ mái trường Đại học Nông nghiệp. Gắn bó với nhau đã hơn nửa thế kỷ, nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy (75 tuổi) điều khiến ông bà hạnh phúc nhất chính là các con, các cháu đều thành đạt, chăm ngoan. Ngôi nhà với 3 thế hệ chung sống luôn tràn ngập tình yêu thương, chia sẻ. Bà Phinh bảo, nói thì ngắn gọn thế chứ đó là một hành trình dài. Hành trình của sự nêu gương, chia sẻ và lan tỏa những yêu thương.
Ông My, bà Phinh đã cho các con tình yêu thương, sự quan tâm dạy bảo đến nơi đến chốn, truyền cho các con lòng nhân ái, bao dung
Bà Phinh và ông My là những tấm gương sáng về tinh thần hiếu học cho con, cháu noi theo. Ông là Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn đầu tiên có trình độ Tiến sĩ khoa học. Bà đã vượt lên định kiến thời ấy để kiên trì, nỗ lực theo học hết bậc phổ thông, rồi thi đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp. Bà có 01 bằng cử nhân, 01 bằng kỹ sư. 20 năm gắn bó với Trung tâm dạy nghề huyện Sóc Sơn (bà là Giám đốc Trung tâm), khi nghỉ hưu vào năm 2003, bà lại khởi dựng trường PTTH dân lập Lạc Long Quân, mở rộng cánh cửa tri thức với nhiều em học sinh không đỗ vào trường cấp 3 công lập với suy nghĩ “các cháu cũng giống như con mình thôi, thất học thì tội lắm, đói ăn, đói mặc thì còn chịu được chứ đói học là khổ một đời”. Cả cuộc đời cống hiến cho công việc, ông bà không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, kiến thức, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Bà là tấm gương sáng về nếp sống nhân ái, nghĩa tình. 20 năm qua, với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT dân lập Lạc Long Quân, bà đã trích tiền túi để thưởng cho giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến; hỗ trợ khi giáo viên, học sinh gặp rủi ro, hoạn nạn; khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; cho 8 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn vay tiền không lấy lãi; đong gạo nấu cháo cho bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Gia đình bà, ngoài việc tích cực đóng góp Quỹ khuyến học của dòng họ Phạm ở Mai Đình (mà bà là người khởi xướng) còn thường xuyên hỗ trợ, tặng quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó học giỏi nhân dịp năm học mới, Tết Nguyên đán…Bên cạnh đó, gia đình bà còn thường xuyên quan tâm hỗ trợ giúp đỡ những gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và một số vùng khó khăn của các tỉnh. Bà đã nhận đỡ đầu cho 1 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2022, em đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Hiện nay, bà đang đỡ đầu một trường hợp cô đơn, nuôi cháu đi học; 2 con của 1 thầy giáo ở Phù Linh, 2 cháu nhỏ mồ côi cha ở Tổ dân phố số 2, thị trấn Sóc Sơn…giúp các cháu có thêm niềm vui, nguồn động lực tiếp tục học tập.
Chung ý chí phấn đấu, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, ông bà còn chung quan điểm trong nuôi dạy con cái. Nghiêm túc, sát sao để động viên con kịp thời; quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để con được học tập đến nơi đến chốn. Khích lệ con học tập kiến thức văn hóa, chuyên môn những cũng không quên trang bị cho con những “kỹ năng mềm”, những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng học, của dân tộc. Thừa hưởng “gen” hiếu học từ bố mẹ, lại được sống trong môi trường tràn ngập tình yêu thương, quan tâm của bố mẹ, các con (cả dâu, rể) của ông bà đều thành đạt, giữ chức vụ chủ chốt trong các cơ quan: UBND huyện Sóc Sơn, Trường THPT Trung Giã, UBND xã Quang Tiến, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Sóc Sơn… Các cháu đều chăm ngoan học giỏi. Gia đình có 3 thế hệ chung sống (ông bà ở cùng vợ chồng con trai trưởng, hai cháu) có 6 người thì 5 người là đảng viên. Đại gia đình của ông bà có 18 thành viên thì có 2 tiến sỹ, 10 thạc sỹ, 12 đảng viên, còn lại các cháu là sinh viên, học sinh đều đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện. Những bữa cơm, những dịp sum họp gia đình luôn rộn vang tiếng cười.
Với địa bàn dân cư, gia đình ông bà được bà con quý mến bởi nếp sống văn hóa, nghĩa tình, luôn quan tâm, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn; luôn tiên phong, tích cực trong các phong trào thi đua, các đợt ủng hộ từ thiện nhân đạo của địa phương (tất cả những trường hợp khó khăn của Tổ dân phố đều được bà giúp đỡ). Bà đã tham gia, đóng góp tích cực vào việc thành lập và hoạt động của Câu lạc bộ khiêu vũ Núi Đôi, đóng góp 30 triệu đồng để xây dựng sân chơi, mua 10 bộ ghế đá, hoa, chậu cây cảnh cho Nhà Văn hóa, trang trí ngõ xóm vào dịp Tết, các ngày lễ lớn…
Chia tay gia đình bà Phinh, trong tôi cứ văng vẳng câu nói “Chỉ cần thật tâm, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi chia sẻ những gì mình có, bởi vì cho đi là còn mãi!” Đúng là cho đi là còn mãi. Như ông bà đã cống hiến cho công việc và nhận về rất nhiều bằng khen, giấy khen. Ông bà đã cho các con tình yêu thương, sự quan tâm dạy bảo đến nơi đến chốn, truyền cho các con lòng nhân ái, bao dung. Đến lượt các con lại tiếp nối, trao truyền trong gia đình nhỏ của mình để đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong công tác, học tập. Mạch nguồn yêu thương, quan tâm ấy đã lớn mạnh, lan tỏa từ phạm vi gia đình tới cả những số phận kém may mắn trong dòng họ, trong xã hội. Mạch nguồn yêu thương ấy chảy mãi để tạo nên một Gia đình hiếu học – Gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.
Đức Minh