Chiều ngày 23/8, Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thư viện Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật trong xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023.
Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát có đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đồng chí Trần Tuấn Anh – Giám đốc Thư viện Hà Nội cùng cán bộ chủ chốt của Thư viện Hà Nội.
Đoàn khảo sát tham quan cơ sở vật chất của Thư viện Hà Nội
Quang cảnh buổi làm việc
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, từ năm 2013 đến nay, Thư viện Hà Nội luôn chủ động xây dựng kế hoạch công tác và thực hiện triển khai các kế hoạch, đạt hiệu quả trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Thư viện Hà Hội không ngừng tăng cường bổ sung và nâng cao chất lượng vốn tài liệu, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, xu hướng phát triển chung của xã hội. Tổng số vốn tài liệu hiện có là 655.844 bản sách.
Trong những năm qua, Thư viện Hà Nội đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ hoạt động thư viện, đảm bảo tính quy chuẩn, chuyên nghiệp hóa trong quá trình xử lý thông tin, nghiệp vụ. Hiện tại, Thư viện Hà Nội đã ứng dụng phần mềm thư viện điện tử LIBOL 6.0 cho các hoạt động nghiệp vụ, quản lý và phục vụ bạn đọc như: Thực hiện việc cấp thẻ trực tuyến; Giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 3; Biên soạn thư mục chuyên đề, thư mục giới thiệu sách mới; Số hóa vốn tài liệu địa chí; Sản xuất sách phục vụ bạn đọc khiếm thị (sách chữ Braille, sách nói); Hoàn thiện cơ sở dữ liệu và bộ máy tra cứu, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin cho bạn đọc.
Bên cạnh việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện Hà Nội chú trọng công tác phục vụ bạn đọc ngoài thư viện, mở rộng đối tượng, phạm vi cấp thẻ và hình thức phục vụ học sinh đọc sách tại các trường Tiểu học và THCS.
Để khai thác các phương tiện truyền thông, Thư viện Hà Nội đã xây dựng Website và Fanpage riêng do đơn vị quản lý nhằm quảng bá hình ảnh Thư viện; Cập nhật các bài điểm sách mới, điểm sách theo chủ đề; Cung cấp các sản phẩm sách nói; Giới thiệu sách, các tác phẩm mới, hay về địa chí Hà Nội, các tác phẩm văn học, về kỹ năng sống cho các em học sinh. Đưa 2.118 tài liệu bài lên trang Website và Fanpage riêng của đơn vị, thu hút 8.362.403 lượt người xem, 11.501.845 lượt truy cập. Thư viện Hà Nội phối hợp với Vụ Thư viện cung cấp các sản phẩm sách nói để lan tỏa tình yêu đọc sách trên kênh Youtube “Cùng bạn đọc sách” trong mùa dịch Covid-19. Hoạt động liên kết này sẽ được tiếp tục nhân rộng và liên tục để giới thiệu các tác phẩm tới bạn đọc nhanh chóng, thuận tiện, hấp dẫn.
Thư viện Hà Nội tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi như: Chiếu phim phù hợp với lứa tuổi, tô vẽ tranh theo chủ đề, chơi các trò chơi dân gian… nhằm tạo hứng thú cho các em mỗi khi đến Thư viện. Đã tổ chức 108 buổi ngoại khóa, thu hút 21.600 số lượt thiếu nhi tham gia các các hoạt động do Thư viện tổ chức. Luân chuyển sách, báo tới các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố (376.650 số sách luân chuyển). Phục vụ Thư viện lưu động tới các điểm trường Tiểu học và THCS thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội, nhằm phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, chú trọng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn để giúp người dân được tiếp cận với tri thức một cách thuận tiện.
Đồng chí Trần Tuấn Anh – Giám đốc Thư viện Hà Nội báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật trong xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa
Thư viện thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, triển lãm sách, giới thiệu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, các sự kiện trọng đại của đất nước để thu hút bạn đọc đến với Thư viện tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Hàng năm, Thư viện Hà Nội tổ chức Hội thi Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè với nhiều chủ đề khác nhau, tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích, lý thú, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia nhằm xây dựng và duy trì thói quen, nhu cầu đọc sách cho các em.
Thư viện luôn mở rộng hợp tác với các đơn vị trong lĩnh vực thư viện trong và ngoài nước: Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Ấn Độ, Quỹ Châu Á- Mỹ, Trung tâm Khoa học- Văn hóa Nga; Trung tâm Văn hóa của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; các nhà xuất bản, viện nghiên cứu… nhằm thu hút đầu tư và tổ chức hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, đầu tháng 11/2022, Dự án “Tái tạo Thư viện công cộng giai đoạn 2021-2022” đã được thi công, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại. Dự án chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Dự án góp phần hỗ trợ việc trao đổi, giao lưu văn hóa, truyền tải thông tin, đời sống học thuật, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho người dân Việt Nam.
Đối với mô hình tổ chức quản lý Thư viện cấp huyện, hiện nay trên địa bàn Thành phố có tổng số 29/30 thư viện trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện (quận Nam Từ Liêm chưa có thư viện). Thư viện cấp huyện đang hoạt động trong cơ chế chung của đơn vị sự nghiệp cấp huyện. Trụ sở, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, nhân lực thực hiện kế hoạch công tác thư viện hàng năm đều phụ thuộc vào việc cân đối, phân bố, sắp xếp và mức độ quan tâm, đầu tư của các đơn vị chủ quản.
Đối với mô hình Thư viện cấp xã, hiện có 54 thư viện cấp xã là thiết chế văn hóa do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập và trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã. Kinh phí, vốn tài liệu, nhân lực phụ trách do Ủy ban nhân dân cấp xã phân bố. Thực hiện chế độ báo cáo hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã và Thư viện cấp huyện. Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ của Thư viện Thành phố, Thư viện cấp huyện; phối hợp công tác với các thư viện, tủ sách, các ban, ngành trên địa bàn…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao Thư viện Hà Nội trong việc phát triển văn hóa đọc. Thư viện thực sự là không gian sáng tạo phục vụ việc học tập suốt đời của người dân Thủ đô. Đồng chí cho rằng, Thư viện số là xu hướng lớn trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, tỉnh, thành nào cũng số hóa gây lãng phí. Nếu hợp tác, phân chia ra để số hóa sẽ đỡ tốn kém mà vẫn hỗ trợ được nhau. Cơ sở vật chất của Thư viện Hà Nội quá hạn hẹp, Thư viện không chỉ là nơi đọc sách mà còn là nơi để giao lưu, vì thế rất cần không gian thư giãn rộng rãi hơn. Hà Nội tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo, tức là hy vọng các thiết chế văn hóa có thể là một phần tạo ra không gian sáng tạo. Vậy Thư viện Hà Nội có tham gia không? Khi nói đến Thư viện thường nói mạng lưới thư viện. Thư viện có cơ chế chính sách gì hay gặp khó khăn gì trong việc kết nối các thư viện với nhau như Thư viện quốc gia, Thư viện cấp huyện, Thư viện cấp xã, nhất là vùng sâu, vùng xa, Thư viện trường học… Đồng chí Bùi Hoài Sơn cũng đề cập tới vấn đề tài trợ sách, chính sách bản quyền của Thư viện. Thư viện có chế tài gì khi bạn đọc làm mất sách hay trả sách muộn…
Đồng chí Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu
Thành viên Đoàn khảo sát nêu thêm các vấn đề về việc duy trì hoạt động của dự án Thư viện do nước ngoài tài trợ; cơ chế hoạt động Thư viện cấp huyện, cấp xã thế nào bởi có một số xã, phường có thư viện nhưng lại không hoạt động vì không có nhân lực phục vụ bạn đọc; việc bổ sung tài liệu sách, báo cho Thư viện; đề xuất dịch vụ giao thông công cộng bằng xe buýt đến Thư viện nhiều hơn để thu hút đông đảo bạn đọc; phụ cấp chế độ độc hại cho những người làm công tác Thư viện…
Với cương vị quản lý ngành Văn hóa, đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Thư viện Hà Nội thực hiện tốt việc xây dựng dữ liệu bảo quản, kết nối để triển khai các hoạt động, mặc dù cơ sở vật chất chưa tương xứng vị trí. Nguồn tài nguyên sách rất lớn của Thư viện ngày nay có được là do kế thừa từ nguồn sách của tỉnh Hà Tây (cũ). Đội ngũ cán bộ Thư viện rất giỏi, tâm huyết, trách nhiệm, nếu không yêu nghề thì không làm được việc phục vụ Nhân dân từ sáng – trưa – chiều. Thư viện Hà Nội được đầu tư kinh phí 14 tỷ đồng để chuyển đổi số. Đang thực hiện chương trình kết nối mạng lưới với Thư viện quốc gia, Thư viện cấp huyện, Thư viện cấp xã để góp phần xây dựng xã hội học tập. Thư viện Hà Nội làm tốt việc tổ chức chuỗi hoạt động để hướng dẫn, trợ giúp phát triển văn hóa đọc bằng việc thường xuyên tổ chức Hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách cho thiếu nhi, được 100% các quận, huyện, thị xã hưởng ứng; Phát động Ngày sách và Văn hóa đọc 21/4; Tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc; Tham gia Liên hoan cán bộ Thư viện toàn quốc… Thư viện Hà Nội cũng thực hiện tốt việc luân chuyển sách từ Thành phố xuống Thư viện quận, huyện, xã, phường, phòng đọc sách cơ sở, thư viện phục vụ công nhân, khu chế xuất, trại giam… Đẩy mạnh phong trào quyên góp sách, tặng sách. Về vấn đề chế tài khi bạn đọc làm mất sách, muộn trả sách chưa có, chỉ nhắc nhở. Để mô hình hoạt động Thư viện hiệu quả hơn, phục vụ bạn đọc được tốt hơn, Thư viện Hà Nội đã đi học tập mô hình Thư viện của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nguồn di sản tư liệu cũng được ngành Văn hóa quan tâm…
Đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu
Trả lời ý kiến của Đoàn khảo sát, đại diện các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Thư viện Hà Nội có những băn khoăn, chia sẻ, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023 cho thấy, cơ chế chính sách chưa quan tâm nhiều đến ngành Thư viện và các hoạt động của Thư viện, nên việc tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc còn hạn chế. Hàng năm, Thư viện Hà Nội có các cán bộ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, cán bộ chuyển công tác, xin thôi việc, vì thế nhân sự vẫn thiếu do chưa tuyển dụng đủ gây ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, phục vụ bạn đọc. Cơ sở vật chất tại 47 Bà Triệu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đầu tư, cải tạo năm 2021-2022 từ tầng 1 lên tầng 4 với thiết kế hiện đại, khang trang, sạch đẹp, thu hút đông đảo bạn đọc đến với Thư viện. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đảm bảo để Thư viện Hà Nội hoạt động có hiệu quả. Hệ thống trang thiết bị, máy tính… đã cũ và lạc hậu không đảm bảo cho công tác chuyên môn và phục vụ bạn đọc. Hàng năm, Thư viện được cấp kinh phí để bổ sung tài liệu sách, báo, tạp chí nhưng chưa đủ để mua tài liệu điện tử, tài liệu số đáp ứng nhu cầu bạn đọc và bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội. Phụ cấp độc hại cho những người làm Thư viện chưa có…
Công tác phát triển mạng lưới thư viện cơ sở còn khó khăn do thiếu sự đầu tư cho hoạt động như: Thiếu kinh phí hoạt động, thiếu cán bộ phụ trách do chưa có chế độ đãi ngộ… Một số Thư viện cấp quận, huyện diện tích chật hẹp, vị trí không thuận lợi, xa dân cư, dẫn đến hạn chế lượng bạn đọc đến sử dụng Thư viện. Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động Thư viện còn thấp, ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn, đặc biệt ảnh hưởng đến việc phát triển vốn tài liệu thư viện, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân địa phương và xu thế phát triển chung của xã hội.
Thư viện Hà Nội đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản pháp quy phù hợp, đảm bảo hiệu lực với thực tế hoạt động và phát triển của ngành Thư viện Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Cần sớm ban hành các văn bản liên quan đến chế độ chính sách với người làm công tác Thư viện cơ sở. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch tổ chức xét tuyển, thi nâng ngạch đối với cán bộ, viên chức ngành Thư viện… Đề xuất, kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và các Sở, ban, ngành có liên quan tăng cường ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp trong công tác Thư viện và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố. Cần có cơ chế chính sách quan tâm nhiều hơn đến ngành Thư viện và các hoạt động của Thư viện để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc hơn nữa. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành của Thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở 2B Quang Trung – Hà Đông để Thư viện Hà Nội có cơ sở mở rộng không gian tổ chức các hoạt động phục vụ bạn đọc, tạo sức hút bạn đọc đến với Thư viện. Tăng cường đầu tư cho Thư viện Hà Nội về kinh phí, vốn tài liệu, nhất là tài liệu điện tử, tài liệu số, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin, ô tô lưu động để nâng cao năng lực hoạt động của Thư viện Thành phố…
Đồng chí Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kết luận buổi làm việc
Với những kết quả Thư viện Hà Nội đạt được, cũng như những khó khăn cần khắc phục về thực hiện chính sách, pháp luật trong xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023, đồng chí Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc: Thư viện Thành phố trong những năm gần đây có chuyển biển tích cực về cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ bạn đọc. Nghe ý kiến phát biểu và trong quá trình khảo sát thực tế, hỏi trực tiếp một số bạn đọc cho thấy, Thư viện Hà Nội rất tâm huyết, trách nhiệm, thái độ phục vụ tốt. Thư viện có nguồn tài nguyên thông tin quý hiếm. Số lượng thẻ bạn đọc, số lượng người sử dụng tăng cao, tiện ích phục vụ bạn đọc chuyển biến. Đồng chí ghi nhận kết quả đạt được của Thư viện Hà Nội trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cũng như hoạt động Thư viện cấp huyện, cấp xã. Quan tâm thực hiện công tác luân chuyển sách, thư viện lưu động, chú ý đến đối tượng học sinh trong trường học, đối tượng kinh tế khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Bước đầu thu được kết quả trong việc hợp tác khai thác nguồn lực để phát triển Thư viện. Việc hợp tác với Hàn Quốc đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin chuyển đổi số để nâng cao năng lực hoạt động Thư viện. Chú ý tới chính sách đào tạo cho cán bộ, viên chức Thư viện, như sang Hàn Quốc đào tạo. Đồng chí yêu cầu cần quan tâm hơn nữa đến nhận thức và quán triệt thực hiện tốt chính sách liên quan đến Thư viện, đặc biệt là Luật Thư viện năm 2019. Với điều kiện của Hà Nội, sự quan tâm đầu tư chưa đáp ứng mong muốn, bởi Thư viện Thành phố rất cần được ưu tiên đầu tư phát triển. Thư viện là thiết chế văn hóa, thiết chế thông tin, thiết chế giáo dục, thiết chế khoa học, cho thấy vai trò quan trọng của Thư viện… Những gì liên quan đến Thư viện cần có kiến nghị, đề xuất cụ thể hơn, thể hiện tinh thần quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, chấn hưng văn hóa, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển thiết chế Thư viện nói riêng, thiết chế văn hóa, thể thao nói chung trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh rất mong Đoàn khảo sát quan tâm hơn nữa đến đề xuất, kiến nghị của Thư viện Hà Nội, để hoạt động Thư viện Thủ đô ngày càng chất lượng, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thảo Nhi