Vui chơi - Giải trí

Trưng bày hình ảnh, tài liệu về Tết Trung thu xưa

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức trưng bày tư liệu với chủ đề “Trở về Trung thu xưa” từ ngày 22-29/9/2023.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa được tổ chức tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội và không gian bích họa Phùng Hưng nhân dịp Tết Trung thu truyền thống năm 2023.

Tại Trung tâm giao lưu phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), trưng bày “Trở về Trung thu xưa” sẽ giới thiệu gần 80 tài liệu, tư liệu, hình ảnh về những nghi lễ Tết Trung thu chốn Hoàng cung xưa với các gian hàng rực rỡ của phố Hàng Gai cũng như các món đồ chơi tinh xảo như một bức tranh đầy sắc màu nghệ thuật.

Tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) sẽ giới thiệu không gian đón Tết Trung thu của gia đình người Hà Nội xưa, không gian trưng bày đèn Trung thu cổ truyền do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng.

Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm) và Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) diễn ra không gian sắp đặt Tết Trung thu, giới thiệu, hướng dẫn cách làm đồ chơi Trung thu…

Không gian bích họa phố Phùng Hưng tổ chức các gian hàng giới thiệu về đồ chơi Trung thu, hướng dẫn cách làm cũng như không gian tái hiện trò chơi dân gian ngày Tết Trung thu truyền thống, trình diễn thời trang trẻ em, biểu diễn âm nhạc thiếu nhi…

Một cửa hàng bán đồ chơi Trung thu xưa

Tết Trung Thu đã trở thành một trong những tết truyền thống lớn nhất trong năm, được các vùng miền tổ chức với những bản sắc, phong tục riêng và diễn ra vào rằm tháng Tám âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Đến với các điểm di tích của phố cổ Hà Nội dịp này, các em nhỏ không chỉ được tìm hiểu về Tết Trung thu xưa mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề nổi tiếng như: Trải nghiệm làm con giống bột với “Lớp học Tò he” cũng nghệ nhân Đặng Văn Hậu, đến từ làng Xuân La; làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, đến từ xã Vân Canh, Hoài Đức; trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống: mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn….

Chương trình nhằm góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho trẻ em một không gian vui chơi bổ ích nhân dịp Trung thu, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

H.A

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *