Lễ hội

Quận Ba Đình thi đua thực hiện tốt Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống

Sáng 26/1, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024; triển khai ký giao ước thi đua thực hiện tốt Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Đến dự có Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh. Về phía quận Ba Đình có Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Thị Diễm.

Ký giao ước thi đua thực hiện tốt Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trên địa bàn quận Ba Đình có 74 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến điển hình như: Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích đặc biệt Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phủ Chủ tịch; 02 di tích Quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục; 52 di tích lịch sử văn hóa gồm: 12 chùa, 19 đình, 20 đền, 03 Di tích cách mạng kháng chiến, 17 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện và 54 lễ hội truyền thống trong một năm.

Năm 2023, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn quận có nhiều đổi mới. Quận đã chỉ đạo kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban quản lý, tiểu ban quản lý tại 100% di tích; xây dựng và hoàn thiện các Quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; hoàn thiện hồ sơ danh mục hiện vật tại các di tích; triển khai tổ chức thành công 54 lễ hội truyền thống tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm phát biểu tại Hội nghị.

Công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích được thực hiện đúng quy định, theo đó đặc biệt chú trọng tu bổ, chống xuống cấp; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại các di tích gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế của quận. Giai đoạn 2022-2025, quận dự kiến đầu tư tu bổ 21 di tích với kinh phí hơn 550 tỷ đồng. Năm 2023 tiếp tục bổ sung đầu tư 07 dự án nâng tổng số 28 di tích cần tu bổ, tôn tạo, đảm bảo 100% các di tích cần tu bổ trên địa bàn được đưa vào kế hoạch. Trong đó 07 di tích được khởi công năm 2023: đình Giảng Võ (phường Giảng Võ), đền Núi Sưa, đền Đống Nước, Đình Đại Yên, chùa Bát Mẫu (phường Ngọc Hà), đình Ngũ Xã (phường Trúc Bạch), chùa Thanh Ninh (phường Điện Biên). Dự kiến trong năm 2024 tiếp tục khởi công tu bổ 10 di tích và hoàn thiện tu bổ theo đúng Nghị quyết đại hội đảng bộ quận lần thứ 26 nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Toàn quận đã có 54 lễ hội được tổ chức, trong đó có 11 lễ hội cấp quận, 43 lễ hội cấp phường. Các lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, Luật Di sản văn hoá, Nghị định số 110 của Chính phủ về việc quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Quyết định số 2068 của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”…; đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.

UBND quận Ba Đình cũng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và lễ hội năm 2023.

Năm 2023, quận Ba Đình đã quyết tâm khôi phục một số lễ hội đã bị mai một Điển hình là các lễ hội Tế khai sắc, Rước khai xuân và Lễ hội truyền thống Kỷ niệm ngày hoá Đức thánh Linh Lang Đại Vương tại di tích Quốc gia đặc biệt đền Voi Phục; lễ hội kỷ niệm Ngày sinh Đức Thánh Huyền thiên Hắc Đế tại Đền Núi Sưa; lễ hội kỷ niệm Ngày sinh Huyền thiên Trấn Vũ tại di tích Quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh; lễ hội các phường có lễ rước Phật tại chùa Hoè Nhai, lễ rước kiệu đình Thành Công đã lan tỏa giá trị tốt đẹp, tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc.

Năm 2024, quận Ba Đình sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hoá công tác tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2020-2025. Hoàn thành xếp hạng 2 di tích đình Thành Công và đình Tây Luông; Đề án bảo tồn phát huy giá trị 2 di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục, đền Quán Thánh; Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, lễ hội truyền thống, tiêu biểu trên địa bàn quận giai đoạn 2023-2025. Thực hiện số hoá hồ sơ hiện vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận. Duy trì có hiệu quả 54 lễ hội theo đúng nghi lễ truyền thống, đúng luật và các quy định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Tiếp tục tìm tòi, phát triển các dư địa mới trong bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể truyền thống, phát triển công nghiệp văn hoá.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm khẳng định, năm 2023, quận Ba Đình đã thực hiện tốt công tác quản lý, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn quận; đồng thời tổ chức thành công các lễ hội, đặc biệt là 6 lễ hội lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp quận. Quận Ba Đình coi đây là một điểm sáng trong việc phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Với sự yêu cầu, hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao, quận đã ban hành văn bản để thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng đề nghị UBND các phường, MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt là các tiểu ban quản lý di tích sẽ triển khai thực hiện đầy đủ những quy định theo Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, nhằm phát huy được những giá trị truyền thống của lễ hội, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí, đảm bảo lễ hội là nơi sinh hoạt cộng đồng, phát huy tốt giá trị các di tích.

Tại Hội nghị, các phường trên địa bàn quận Ba Đình đã thực hiện ký giao ước thi đua thực hiện tốt Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Đồng thời, UBND quận Ba Đình cũng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và lễ hội năm 2023.

Nhật Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *