Các loại hình khác

Hà Nội: Hiện đại hóa nền hành chính công 

HNP – Xác định cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục hành chính là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế, xã hội, TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính công. Hiệu quả, đồng bộ Theo đó, UBND thành phố […]

HNP – Xác định cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục hành chính là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế, xã hội, TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính công.

Hiệu quả, đồng bộ

Theo đó, UBND thành phố ban hành kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố năm 2017, với mục tiêu đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố xác định năm 2017 là năm đột phá căn bản về CNTT; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống. Hiện nay, thành phố đang tổ chức thí điểm phần mềm một cửa điện tử và thí điểm số hóa dữ liệu hộ tịch tại quận Long Biên.

Mặt khác, thành phố đang xúc tiến hợp tác với các tổ chức công nghệ lớn để đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các nội dung chính bao gồm: Nghiên cứu đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của thành phố; thiết bị cuối phục vụ người dân trên địa bàn thành phố kết nối mạng (4G, Wifi…) phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền; tích hợp các chức năng như: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến… Thẻ thông minh phục vụ thanh toán phí các dịch vụ giao thông công cộng…; đề xuất hợp tác tiếp tục triển khai hạ tầng mạng truyền dẫn trên địa bàn thành phố; xây dụng hệ thống du lịch thông minh (Quản lý làng nghề, khu di tích, khu du lịch…); xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố; đề xuất hợp tác thực hiện hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố; xây dụng hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khỏe toàn dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến…

Một điểm sáng nữa đáng ghi nhận, với mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp có hiệu quả, thành phố đã thành lập Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội (Hanoi Innovative Business Incubator of Information Technology – HBI-IT). Thành phố ban hành kế hoạch triển khai vận hành chính thức dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3 đã hoàn thành xây dựng. Mục tiêu hướng tới là tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống DVC trực tuyến mức độ 3, 4 cấp sở, cấp huyện và cấp xã trên hệ thống DVC trực tuyến dùng chung của thành phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước thành phố, thực hiện cải cách hành chính. Theo đó, thành phố sẽ triển khai cung cấp chính thức 120 DVC trực tuyến mức độ 3 đã hoàn thành xây dựng thành 3 đợt trong năm 2017.

Công khai, minh bạch

Đáng nói, tình hình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong quý I có nhiều tiến bộ. Trong số TTHC được cung cấp trực tuyến trên Cổng giao tiếp điện tử (bao gồm các đơn vị ngành dọc) là 2.507 TTHC, trong đó: số TTHC được cung cấp ở mức độ 3 là 374; số TTHC được cung cấp ở mức độ 4 là 81. Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đăng ký danh mục dịch vụ công trực tiến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện năm 2017. Trên cơ sở đó, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định đưa vào danh mục triển khai thực hiện DVC mức độ 3, 4 để có kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn, đầu tư.

Việc ứng dụng CNTT được thành phố chú trọng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Theo đó, thành phố ban hành kế hoạch, xác định sử dụng các thông tin sẵn có từ cơ sở dữ liệu dân cư của thành phố và thông qua khám sức khỏe cho người dân để xác định những thông tin cơ bản về tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, lập sổ sức khỏe điện tử cho người dân. Mới đây, thành phố tiếp tục triển khai đẩy mạnh mua sắm thường xuyên qua mạng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa điện tử (e-Catalog) áp dụng cho mua sắm thường xuyên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành khi thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đó và ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng trong đấu thầu mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung của thành phố khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001: 2008 đưa vào hoạt động trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, thị xã tiếp tục đưa hệ thống quản lý chất lượng vào vận hành nề nếp, hiệu quả; tăng cường việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ quan, đơn vị của thành phố.

Có thể nói, bằng sự nỗ lực xây dựng một nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại đã góp phần tạo nên một môi trường làm việc điện tử diện rộng, an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, góp phần giảm thời gian, chi phí, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động các cơ quan nhà nước của thành phố.

Cổng GTĐT TP

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *