Tin ngành

Tập huấn Công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch vụ karaoke, vũ trường

Ngày 3/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức lớp tập huấn Công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn TP Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy đau lòng, trong đó có những vụ cháy ở cơ sở karaoke. Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo cũng còn tồn tại nhiều bất cập, điều này đòi hỏi công tác quản lý cần phải được thực hiện nghiêm, đúng luật.
Cần có hướng dẫn cụ thể quy định quản lý đối với loại hình Hát cho nhau nghe
Theo Trung tá Lê Hoàng Huy – Đội Trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội): Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 1.286 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, bar và các loại hình tương tự. Cơ bản các cơ sơ sở không đảm bảo điều kiện PCCC. Hiện nay, trên toàn Thành phố chỉ có 46 cơ sở karaoke đảm các biểu điều kiện về PCCC.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến cho biết, hiện nay, công tác quản lý hoạt động karaoke trên địa bàn đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh karaoke cũ trước đây lại lách luật, biến tướng thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phục vụ khách hát không tính tiền hoặc các cơ sở kinh doanh dịch vụ cafe ca nhạc, cafe hát cho nhau nghe lại nở rộ trong khi các chế tài quản lý còn nhiều hạn chế. Trong năm 2023 và 2024, UBND quận đã ban hành 05 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa quá giờ quy định và 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke để khách sử dụng trái phép chất ma túy, phạt tiền 68,3 triệu đồng.
Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trên địa bàn quận hiện có 7/18 cơ sở đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke; 6 cơ sở nhà hàng có tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật; không có cơ sở kinh doanh vũ trường. Hiện nay, quận đang tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn. Đồng thời, quận cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về kinh doanh dịch vụ văn hoá trên.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị sửa đổi Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ đối với việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke. Đề xuất Thành phố có hướng dẫn cụ thể quy định quản lý đối với loại hình “Hát cho nhau nghe”; cơ sở có tính chất “Hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc” (một số người gọi là Karaoke box).
Hoạt động quảng cáo ngoài trời còn nhiều bất cập
Theo Thượng tá Nguyễn Chí Cường – Phó trưởng Phòng PA03 (Công an TP Hà Nội): “Hiện nay, tại các nút giao thông, tuyến phố, trục trung tâm Thành phố tồn tại biển quảng cáo tấm lớn gắn ở mặt công trình nhà ở, thậm chí nở nóc công trình. Mặc dù việc này đã được cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn”.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến cho biết, thời gian vừa qua, toàn quận đã tổ chức 206 buổi kiểm tra và xử lý các vi phạm về biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm; buộc tháo dỡ trên 500 biển hiệu, biển vẫy vi phạm cũ nát; bóc, xóa hơn 2.400 tờ quảng cáo rao vặt và tháo dỡ 120 băng rôn, banner treo trên các gốc cây, cột điện… UBND quận đã ban hành 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động quảng cáo, phạt tiền 40 triệu đồng.
Còn tại quận Đống Đa, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã vận động doanh nghiệp tự tháo dỡ nội dung 20 bảng quảng cáo sai phạm, xử phạt vi phạm hành chính 01 doanh nghiệp quảng cáo sai phạm với tổng số tiền phạt là 25 triệu đồng; Cắt dỡ 489 băng rôn, phướn treo trên thân cây, cột điện, cột đèn chiếu sáng, cột tín hiệu giao thông, cửa hàng kinh doanh. Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cũng đề xuất bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đèn Led rọi chiếu xuống đường giao thông để quảng cáo; tổ chức, cá nhân làm vượt số lượng biển hiệu theo qui định. Đề xuất Thành phố có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc thông báo sản phẩm quảng cáo đối với việc sử dụng màn hình chuyên quảng cáo, màn hình LED, LCD và các hình thức tương tự, quảng cáo sử dụng ánh sáng điện…
Nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra hiện nay, tại Hội nghị, các báo cáo viên đã chia sẻ thông tin về 3 chuyên đề: Chuyên đề 1 về công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ. Chuyên đề 2 về việc chấp hành pháp luật, đảm bảo ANTT trong quảng cáo, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch vụ karaoke. Chuyên đề 3 về công tác quản lý nhà nước về quảng cáo ngoài trời, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch vụ karaoke theo thẩm quyền; phổ biến Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND ngày 19/2/2024 về phân cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke; Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND ngày 12/3/2024 ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trên trên địa bàn TP Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, hiện Thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến quản lý trong công tác quảng cáo ngoài trời, dịch vụ karaoke có sự phân cấp rõ ràng cho các quận, huyện và cơ quan quản lý nhà nước. Lớp tập huấn được tổ chức nhằm giúp cho cán bộ các địa phương cập nhật những quy định mới để công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn Hà Nội đạt hiệu quả, nhằm đóng góp cho Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *