Triển lãm

Trưng bày chuyên đề “Báu vật Champa – Dấu ấn thời gian”

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã công bố kết quả tiếp nhận, hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga và khai mạc Trưng bày chuyên đề “Báu vật Champa – Dấu ấn thời gian”.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố tượng Nữ thần Durga.

Tượng đồng Nữ thần Durga có nguồn gốc Việt Nam, được Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ phối hợp với Cảnh sát thành phố Luân Đôn (Vương quốc Anh) tịch thu từ một vụ án buôn bán cổ vật bất hợp pháp và đề xuất trao trả về Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự nỗ lực của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG), cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; sự hỗ trợ tích cực của nhà sưu tập Đào Danh Đức, bà Nguyễn Ngọc Thúy và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong, ngoài nước, ngày 18/6/2024, tượng đồng Nữ thần Durga đã được vận chuyển về lưu giữ tại kho bảo quản của BTLSQG an toàn và được giới thiệu đến công chúng.

Đây là tượng Nữ thần Durga 4 tay, cao toàn bộ 191cm, trong đó, tượng cao 157cm, nặng 101kg, niên đại vào thế kỷ VII với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn. Tượng có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc BTLSQG cho biết: Đây là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay, là cổ vật thuộc loại quý hiếm, có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, thông tin về địa điểm cụ thể phát hiện ra tượng Nữ thần Durga vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu.

Bức tượng được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm “Báu vật Champa – Dấu ấn thời gian” do BTLSQG phối hợp với nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức.

Champa là quốc gia cổ đại từng tồn tại từ năm 192 đến năm 1832 ở khu vực miền Trung Việt Nam ngày nay. Văn hoá Champa chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ và Java cùng với những sáng tạo riêng đã tạo nên những đỉnh cao nghệ thuật như phong cách Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm… Nhiều di tích đền tháp và các công trình điêu khắc còn tồn tại đến ngày nay cho thấy Ấn Độ giáo và Phật giáo là hai tôn giáo chính của vương quốc Champa xưa.

Champa hưng thịnh nhất vào các thế kỷ thứ IX – X. Sau thế kỷ XV, trung tâm của vương quốc Champa dịch chuyển dần về phía Nam và mang sắc thái mới. Giai đoạn từ năm 1692 (khi chúa Nguyễn đặt Trấn Thuận Thành trên vùng đất Champa) đến năm 1832 (khi Champa chính thức sáp nhập vào Đại Nam dưới triều vua Minh Mạng), những vấn đề về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật Champa dường như còn ít được quan tâm nghiên cứu. Theo đó, Bảo tàng đã cùng các đơn vị phối hợp nghiên cứu và lựa chọn hơn 60 hiện vật tiêu biểu bằng chất liệu vàng, bạc thuộc giai đoạn lịch sử này (thế kỷ XVII – XVIII) để giới thiệu tới công chúng, trong đó hầu hết các hiện vật lần đầu tiên được đưa ra trưng bày.

Trưng bày gồm 2 phần với các hiện vật tiêu biểu cho 2 loại hình: Tượng, linh vật tôn giáo và Đồ trang sức, vật dụng mang biểu tượng tôn giáo, quyền uy hoàng tộc đều được thể hiện rất tinh mĩ với trình độ chế tác kim hoàn kỹ thuật cao, có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt.

Thông qua trưng bày, Bảo tàng hy vọng công chúng trong và ngoài nước có cơ hội thưởng lãm các cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, qua đó hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử văn hóa của Champa, từ đó, biết trân trọng, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trưng bày diễn ra đến tháng 10/2024 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 01 Tràng Tiền, Hà Nội.

V.H

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *