Hòa chung không khí kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), sáng 18/10, tại đền thờ Vua Hùng (thành phố Cần Thơ), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp cùng Bảo tàng thành phố Cần Thơ tổ chức triển lãm “Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Cách đây gần 1000 năm, nơi đây là trung tâm giáo dục cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ, nơi phát hiện và đào tạo hiền tài phụng sự cho đất nước, cống hiến tài năng cá nhân cho xã hội, đem đến cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho nhân dân. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngày nay Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành biểu tượng cho truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo và trọng dụng hiền tài của dân tộc, đồng thời cũng là nơi tôn vinh những tấm gương học tập xuất sắc, trao truyền cho thế hệ trẻ cảm hứng và động lực vươn lên trong cuộc sống bằng tri thức và nhân cách cao đẹp.
Chắt lọc từ hàng nghìn tư liệu, triển lãm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám và giới thiệu đến công chúng một số danh nhân văn hóa có đóng góp quan trọng cho ngôi đền tri thức này. Tham quan triển lãm, người xem như được tham gia một cuộc du hành ngược thời gian, đắm mình trong không gian tri thức, văn hóa của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong các giai đoạn lịch sử của Quốc gia Đại Việt được thể hiện qua 4 chủ đề chính: “Ngôi đền tri thức” truyền tải thông điệp Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi hội tụ tinh hoa của đạo học Việt Nam, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các vị danh nhân văn hoá. “Vun đắp hiền tài” giới thiệu hoạt động dạy và học của Quốc Tử Giám – trường Quốc học đầu tiên của nước ta.“Hành trình khoa cử” điểm lại quá trình phấn đấu rèn luyện, nỗ lực học tập của các sĩ tử thời xưa từ khi biết những nét chữ đầu tiên đến khi thành công ghi danh trên bảng vàng. Và chủ đề cuối cùng “Sử đá lưu danh” điểm lại giá trị lịch sử, văn hoá, mỹ thuật của 82 bia đá Đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới.
Cũng tại không gian triển lãm này, những người yêu mến văn hoá Việt còn có cơ hội được trải nghiệm di sản thông qua in rập hoa văn là những hoạ tiết tiêu biểu trên 82 bia Tiến sĩ hiện được bảo quản tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám qua những nguyên liệu mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, từ mộc bản in tranh đến chất giấy dó hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên.
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Thông qua triển lãm, chúng tôi mong muốn giới thiệu tới Nhân dân thành phố Cần Thơ, đặc biệt là khán giả trẻ một cái nhìn toàn cảnh về một Di tích Quốc gia đặc biệt giữa lòng Thủ đô Hà Nội, để từ đó thêm hiểu, thêm yêu nét đẹp văn hóa của cha ông và truyền thống hiếu học của dân tộc, thêm gắng sức dựng xây tương lai giàu mạnh của đất nước”.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Trương Công Quốc Việt cũng cho rằng, cuộc triển lãm có nội dung vô cùng ý nghĩa, giúp cho người dân Cần Thơ có dịp tìm hiểu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc; đồng thời tạo sự gắn kết giữa Thủ đô Hà Nội và thành phố Cần Thơ – trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Tôi mong rằng thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội; Bảo tàng thành phố Cần Thơ và Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa có ý nghĩa, cùng nhau thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của cả hai thành phố” – ông Trương Công Quốc Việt chia sẻ thêm.
Triển lãm “Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám” sẽ diễn ra từ ngày 18/10 đến hết ngày 18/12/2024 tại Đền thờ Vua Hùng (đường Lạc Long Quân, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ).
Thuý Nga