Sau khi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng, ngày 27-28/11, Đoàn Khảo sát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai giải pháp thực hiện, tuyên truyền hệ giá trị Việt Nam với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2 tỉnh Nam Định và Thái Nguyên.
Hoạt động khảo sát thực tế tại các tỉnh do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Trong 2 buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Sở, đồng chí Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra và yêu cầu làm rõ các hệ giá trị để bổ sung, góp phần làm sâu sắc hơn nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo quốc gia bàn về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Do vậy, việc khảo sát, làm rõ thực tế ở địa phương trong việc triển khai thực hiện, tuyên truyền các hệ giá trị có ý nghĩa đặc biệt, đóng góp vào văn kiện chuẩn bị cho Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, góp phần xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với vai trò kết nối, Phó Cục trưởng cũng đề nghị các bên trao đổi, tập trung làm rõ các nội dung: Xác định các hệ giá trị hiện nay, trên cơ sở đó trao đổi, thảo luận, trong quá trình thực hiện có gì thuận lợi, khó khăn, đề xuất kiến nghị… Các giá trị đã hình thành qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước đã biến đổi qua thời gian thế nào, những gì là hủ tục thì cần loại bỏ, giá trị nào thuộc về hồn cốt dân tộc, phù hợp với sự tiến bộ của nhân loại, đặc sắc văn hóa thì cần bảo tồn, phát huy, tiếp tục bồi đắp.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ lộ trình phát triển Thủ đô đến năm 2030: Hà Nội sẽ trở thành Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trong đó có một nội dung quan trọng là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với các phẩm chất hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội, đặc biệt là cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, Hà Nội đã có những bước triển khai quyết liệt.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cơ quan thường trực của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội – một chương trình đã có 8 nhiệm kỳ về phát triển văn hóa Thủ đô và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Sở đã tham mưu cho Thành phố nhiều cơ chế, chính sách, chương trình cụ thể. Hiện nay, Sở đang xây dựng bộ tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh đảm bảo tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm. Chúng tôi rất muốn tiếp nhận, trao đổi với các tỉnh, nhất là các tỉnh nằm trong các vùng kinh tế như vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có những ảnh hưởng nhất định đến xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô.
Kinh nghiệm ở nơi có “Nhà văn hóa sáng đèn”.
Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng Sông Hồng, Nam Định là tỉnh giàu truyền thống văn hóa cách mạng; là vùng đất nghìn năm văn hiến với lịch sử, văn hóa truyền thống đặc sắc, quê hương của nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, những chiến sĩ cách mạng tiền bối và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta; là nơi hội tụ, giao thoa và lan toả những giá trị văn hoá dân gian phong phú, đa dạng; nơi lưu giữ nhiều giá trị tư tưởng đạo đức, giàu tính nhân văn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Vũ Đức Thọ cho biết: Thực hiện đường lối đổi mới phát triển của Đảng, Nhà nước, thời gian qua các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Nam Định phát triển ổn định; văn hóa, xã hội tiếp tục đạt được nhiều thành tích… Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đặc biệt là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao được quan tâm chỉ đạo thực hiện từ cơ sở đã góp phần nâng cao và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung xây dựng con người Nam Định phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tri thức và thể chất; các giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng được phát huy.
Nhận thức vai trò của các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở trong việc tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ, lan toả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm đảm bảo đầy đủ các thiết chế văn hoá, thể thao các cấp với 01 Bảo tàng tỉnh, 01 Bảo tàng tư nhân và 48 nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà lưu niệm; 01 thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện, thành phố, có 1.324 tủ sách cơ sở (01 thư viện xã, 229 tủ sách pháp luật, 198 điểm Bưu điện văn hóa xã, 914 tủ sách thôn/tổ dân phố), 12.664 tủ sách lớp học… Tỉnh có 10 Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; có 175 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa/hội trường đa năng; có 2.160/2.160 thôn/xóm/tổ dân phố có nhà văn hóa/nơi sinh hoạt văn hóa. Các nhà văn hóa luôn sáng đèn và điều đặc biệt là hoạt động của các nhà văn hóa này đều do nhân dân tự nguyện đóng góp.
Nam Định hiện có 1.361 di tích lịch sử – văn hóa trong danh mục được UBND tỉnh phê duyệt, công bố; có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, nhất là bản sắc văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng của đất và người Nam Định như: Truyền thống yêu nước và kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm; truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo; truyền thống hiếu học, đoàn kết, nhân ái… cùng với những giai thoại lịch sử về triều đại nhà Trần trọng đạo nghĩa, giàu lòng yêu nước, nhân ái, khoan dung hun đúc sức mạnh hào khí Đông A một thời lừng danh, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái và các giá trị văn hoá tinh tuý, giàu tính nhân văn sâu sắc.
Tăng cường kết nối văn hóa với “Thủ đô gió ngàn”
Sáng 28/11, làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trần Thị Vân Anh bày tỏ, qua chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm này, Thủ đô Hà Nội và “Thủ đô gió ngàn” Thái Nguyên sẽ có những bước tiến mới trong quan hệ giao lưu, kết nối, học hỏi lẫn nhau những mô hình, cách làm hay, hiệu quả về lĩnh vực phát triển văn hoá, xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam ở mỗi địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường cho biết: Trong những năm qua, xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng, gìn giữ và phát huy các hệ giá trị cũng như chuẩn mực con người thế hệ mới, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã cụ thể hóa bằng việc ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các nội dung tuyên truyền về hệ giá trị Việt Nam gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trong các hoạt động văn hóa, sáng tác văn học, nghệ thuật; hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; trong thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH; công tác gia đình và nhiều hoạt động khác của các ngành, đoàn thể và địa phương. Từ đó, quán triệt sâu sắc và toàn diện những nội dung về hình thành chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, bồi đắp hệ giá trị gia đình, phát triển hệ giá trị văn hóa, góp phần củng cố hệ giá trị quốc gia trên nền tảng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên gắn với khát vọng đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện.
Đại diện các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cũng bày tỏ mong muốn Hà Nội – Thái Nguyên tăng cường kết nối để Thái Nguyên có thể tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn, học hỏi cách thức triển khai thực hiện các hệ giá trị; mong muốn học tập và triển khai mô hình tuyên dương “Công dân Thủ đô ưu tú”; kết nối, quảng bá sản phẩm trà tại Hà Nội, từ đó phát triển văn hóa trà.
Là tỉnh có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, Thái Nguyên có 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đặc biệt, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn 1.000 di sản văn hóa là di tích được bảo tồn, kiểm kê, xếp hạng, trong đó có Quần thể di tích lịch sử ATK Định Hóa được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 59 di tích quốc gia, 235 di tích cấp tỉnh. Có 18 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú.
Theo đồng chí Lương Đức Thắng, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, để phát huy được vốn văn hóa sẵn trong việc xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, Thái Nguyên cần tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới. Phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là nội dung Hà Nội có thể tham khảo để vận dụng triển khai tại Thủ đô.
V.H