Di sản – Bảo tồn

Đình Yên Duyệt – Nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của người Chương Mỹ

Đình Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ thờ Thành hoàng làng Lý Triện – một vị tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV.

Theo sử sách, Lý Triện là người làng Bái Đô, huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông tham gia nghĩa quân Lam Sơn dưới cờ Lê Lợi từ những ngày đầu. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lý Triện cầm quân chiến đấu phá vòng vây xâm lược của quân Minh ở Sách Khôi và các chiến dịch khi nghĩa quân chuyển hướng chiến lược vào Nam. Đặc biệt, trong trận Tốt Động – Chúc Động, từ ngày 7/11/1426, ông đã cùng Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Phạm Văn Xảo… chỉ huy chiến đấu lập nên chiến công hiển hách. Nghĩa quân làm thất bại hoàn toàn cuộc phản công của Vương Thông, trên 6 vạn quân địch bị tiêu diệt, Vương Thông bị thương nặng tại trận.

Đình Yên Duyệt. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Chương Mỹ

Sau chiến thắng này, nghĩa quân Lam Sơn tiến hành vây hãm và dụ địch hàng thành công ở thành Đông Quan. Ngày 7/2/1427, giặc bất ngờ tập kích trại quân của Lý Triện và Đỗ Bí ở Cảo Động (Từ Liêm). Nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm nhưng Đỗ Bí bị bắt, Lý Triện bị thương nặng. Truyền thuyết ghi lại, ông phi ngựa cố chạy về theo đường Lai Kinh đến bờ sông Giang Loan (nay là sông Bùi), ông xuống ngựa hỏi bà hàng nước bên đường về vết thương của mình. Lý Triện nghe nói vậy liền nhờ bà hàng nước băng bó vết thương rồi lên lưng ngựa tiếp tục đi thêm một đoạn đường nữa thuộc địa phận làng Yên Duyệt, xã Tốt Động thì cả người và ngựa đều thác ở đó.

Với công lao nhiều lần phá tan quân giặc mạnh, Lê Lợi cho phong quan tước cho cha và con của Lý Triện. Con ông về sau là đại thần trong nhà Hậu Lê. Năm 1428, Lý Triện được truy tặng chức Nhập nội tư mã. Năm 1460, ông được truy tặng làm Hữu tướng quốc. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông tước Thái bảo Kỳ quận công và sau đó là Tây Kỳ vương.

Để tưởng nhớ công ơn của ông, Nhân dân lập lăng mộ, đình thờ tôn ông là Thành hoàng làng. Bà hàng nước giúp đỡ băng bó vết thương cho tướng quân Lý Triện cũng được lập đền thờ gọi là đền nhà Bà.

Lăng mộ tướng quân Lý Triện. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Chương Mỹ

Năm 1947 – 1948, Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Chương Mỹ sơ tán về làm việc tại đình. Năm 1949 – 1950, đơn vị bộ đội Việt Minh là Trung đoàn 48 về đóng quân tại đình. Năm 1952 – 1953, đơn vị Đại đội Quế Sơn và Đại đội Chi Lăng về đóng quân tại đình. Ngày 16/1/1954, giặc Pháp từ bốt Đại Ơn, bốt Bương càn về tưới xăng đốt đình Yên Duyệt.

Đến năm 1967, Nhân dân mới dựng lại được ngôi đình để thờ phụng. Đình Yên Duyệt còn lưu giữ nhiều hiện vật ghi dấu lịch sử, văn hóa địa phương. Ngày 14/1/1998, đình và lăng mộ tướng quân Lý Triện được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Năm 2001, Nhân dân, Hội Phụ lão làng Yên Duyệt đóng góp xây dựng, tu bổ hậu cung đại bái đình, văn chỉ, đền nhà Bà, tạo cảnh quan trong khu di tích. Lễ hội làng Yên Duyệt được tổ chức 3-5 năm một lần vào ngày 10-12 tháng 2 âm lịch.

Đình Yên Duyệt và lăng mộ tướng quân Lý Triện trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh, gắn kết cộng đồng, đồng thời giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc./.

Mai Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *