Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Phát huy hệ giá trị văn hoá Thủ đô, xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Sáng 13/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị toạ đàm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới, thực hiện kế hoạch số 2074/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Thủ đô, xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Sự kiện có sự tham gia các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo cơ quan quản lý văn hoá của các tỉnh, thành phố, đại diện các trường đại học…

Xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại là yêu cầu cấp thiết hiện nay
Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội có nhiều nguồn lực, tài nguyên để phát triển văn hoá, trong đó nguồn lực số 1 là con người và nguồn lực số 2 mà Hà Nội xác định là tài nguyên về di sản văn hóa của Thủ đô. Hà Nội có tài nguyên lớn về di sản văn hoá với khoảng 6.000 di tích, 1.793 di sản văn hoá, trên 1.500 lễ hội truyền thống, 1.300 làng nghề và làng có nghề cùng với các nghệ nhân. Nguồn lực thứ 3 là hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở trên địa bàn Thủ đô từ Trung ương, Thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố… cùng nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật quốc tế được tổ chức tại Hà Nội. Nguồn lực thứ 4 được xác định Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hoà bình”, “Thành phố sáng tạo”… Nguồn lực thứ 5 là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với nhiều lợi thế để có thể phát triển văn hoá và con người, thành phố Hà Nội cũng xác định việc phát triển văn hoá, con người là động lực để phát triển Thủ đô.

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu đề dẫn về tính cấp thiết trong việc triển khai các giải pháp tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới và phát huy hệ giá trị văn hoá Thủ đô xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, quán triệt sâu sắc, toàn diện nội dung hệ giá trị Việt Nam được đúc kết theo các văn kiện của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; kết quả các Hội thảo quốc gia quốc gia, các vùng kinh tế xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức về “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, gồm: (1) Hệ giá trị văn hóa: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; (2) Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; (3) Hệ giá trị con người Việt Nam: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước” – bà Trần Thị Vân Anh khẳng định.

Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại

Hiện nay, Ban Tổ chức đã dự thảo các phương án, lượng hóa chuẩn mực xây dựng người Hà Nội “hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh” thành các tiêu chí. Phương án 1 thể hiện sự kết nối nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế, khẳng định vị thế Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị, và hội nhập quốc tế của cả nước gồm 9 chuẩn mực: Thanh lịch; văn minh trong ứng xử; sáng tạo trong tư duy và hành động; hiện đại trong lối sống; hội nhập quốc tế; giữ gìn bản sắc và lòng tự hào; trách nhiệm trong cộng đồng; tinh thần học hỏi và cầu tiến; sâu đậm tình người và tình quê hương.

Phương án 2 nhấn mạnh vai trò đại diện của Thủ đô qua các hành động, giá trị và tinh thần của con người Hà Nội, đồng thời đặt họ vào vị trí dẫn dắt trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế gồm 10 tiêu chí: Ý thức tự hào và đại diện của Thủ đô; tinh thần trách nhiệm với vai trò trung tâm chính trị – văn hóa; văn hóa giao tiếp chuẩn mực; tinh thần hội nhập quốc tế sâu rộng; phát huy giá trị di sản Thăng Long – Hà Nội; ý thức xây dựng đô thị hiện đại – thông minh; tinh thần sáng tạo dẫn đầu; ý thức đoàn kết và hợp tác; tư duy lãnh đạo và dẫn dắt; tinh thần văn hóa hiếu khách, thân thiện.

Xây dựng hệ giá trị với các tiêu chí rõ ràng, phù hợp với từng đối tượng
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong mọi hoàn cảnh của lịch sử, người Hà Nội về cơ bản vẫn mang đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp người Việt Nam. Tuy nhiên, người Hà Nội vẫn có những nét riêng tạo nên bản sắc của người “kinh sư muôn đời”. Bước vào kỷ nguyên mới, thứ nhất, người Hà Nội cần giữ gìn và phát huy tính “Tiên phong”: Người Hà Nội được một tài sản lớn nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc, lại được tiếp nhận những điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần với tư cách là công dân Thủ đô, đầu não chính trị, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa – xã hội phải là người tiên phong trong mọi lĩnh vực của kỷ nguyên mới. Thứ hai “Bản lĩnh”: Muốn tiên phong, muốn sáng tạo phải có bản lĩnh. Bản lĩnh trong học tập, lao động và trong cuộc sống. Kỷ nguyên mới với nhịp độ phát triển có phạm vi và cấp độ mở cửa, hội nhập sâu rộng, cơ hội và thách thức lớn và phức tạp. Vì vậy, người Hà Nội cần có bản lĩnh để thích ứng. Thứ ba “Sáng tạo”: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số, kỷ nguyên công nghệ, kỷ nguyên cách mạng 4.0, không cho phép lạc hậu trong tư duy cũng như tác nghiệp. Sáng tạo là phẩm chất hàng đầu để đáp ứng yêu cầu này. Và thứ tư “Bao dung”: Phẩm chất này vốn có trong người Việt Nam nói chung, đặc biệt là người Hà Nội. Nếu không bao dung làm sao là cái nôi nuôi dưỡng hiền tài từ mọi miền đất nước về đây. Kỷ nguyên mới, Hà Nội còn phải hội tụ bốn phương cả về nhân lực và tài lực. Bởi thế phẩm chất bao dung hơn bao giờ hết cần được phát huy ở cấp độ mới, hàm chứa ý nghĩa rộng lớn cả về vật chất và tinh thần, cả nội dung và hình thức của phẩm chát này, nhằm đáp ứng yêu cầu mới.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đóng góp ý kiến tại Hội nghị

PGS.TS Phạm Duy Đức – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta đang xây dựng chuẩn mực với những tiêu chí xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh. Vấn đề xây dựng con người là vấn đề rất lớn, không chỉ ở Việt Nam chúng ta mà nó là vấn đề thuộc phạm vi toàn cầu. Cách nhìn con người hiện đại trong giai đoạn hiện nay hướng tới: 1 là xây dựng con người Công dân, đầu tiên là phải chấp hành Luật pháp, ý thức tốt, tôn trọng mình và tôn trọng người khác trên cơ sở luật pháp. 2 là con người Khoa học, trong thời đại chuyển đổi số thì tri thức khoa học là nền tảng để phát triển. 3 là con người Nhân văn, con người nếu chỉ phát triển lý trí mà đánh mất trái tim, xúc cảm sẽ trở thành thảm họa cho xã hội hiện đại; các ngành khoa học tập trung vào phát triển lý trí cho con người còn văn chương – nghệ thuật tham gia bồi đắp tinh thần, chiều sâu cảm xúc, bồi đắp tình yêu giữa con người với con người, tình yêu trong gia đình…; chính văn chương – nghệ thuật là con đường để nâng cao tính nhân bản, tình cảm, cảm xúc và giáo dục đạo đức, tình cảm, cảm xúc là vấn đề rất quan trọng trong xã hội hiện đại. 4 là con người Hội nhập, con người hiện nay là việc trong môi trường đa văn hóa, tiến tới trở thành công dân toàn cầu; con người cần ứng xử vừa để khẳng định bản lĩnh của mình, đồng thời có thể giao tiếp, chia sẻ với những cộng động khác những giá trị chung toàn cầu. Đó chính là khái quát về mô hình con người hiện nay. Và các tiêu chí xây dựng con người Thủ đô trong tình hình mới hiện nay cũng phải cụ thể hóa được những nội dung cơ bản này.

PGS.TS Phạm Duy Đức – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trao đổi tại Hội nghị

Kết luận tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng nhận định: Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã bàn về một vấn đề hết sức cụ thể nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng, trong đó tập trung vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, trong đó có yêu cầu xác định làm rõ nội hàm của hệ giá trị, để từ đó tập trung xây dựng đóng góp chung vào các văn kiện Đại hội Đảng sắp tới đây sẽ trình tại Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 14. Đại hội Đảng lần thứ 14 được Tổng bí thư Tô Lâm xác định là “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng kết luận tại Hội nghị tọa đàm

“Chúng ta phải đặt nội hàm hệ giá trị hiện nay sẽ phục vụ gì cho kỷ nguyên mới của dân tộc. Đâu là cốt lõi, đâu là tiếp biến, đâu là cái đương đại, để từ đó chúng ta xây dựng ra một hệ giá trị phải có tiêu chí cụ thể nhưng phải đánh giá, lượng hóa được. Các ý kiến tại Hội nghị sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền để đưa ra được một bộ tiêu chí… Xây dựng hệ giá trị với các tiêu chí phải được xác định rõ, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, nhận thức, ngành nghề… mới có thể đưa bộ tiêu chí đi vào thực tiễn cuộc sống” – Phó Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng nhấn mạnh.

Thúy Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *