Tiêu điểm Hà Nội

Hà Nội dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số, kinh tế số

Hà Nội đang triển khai chuyển đổi số đồng bộ và toàn diện trên cả 3 trụ cột, với quan điểm chỉ đạo đồng bộ, thống nhất và tư tưởng thông suốt, tạo không khí thi đua phấn khởi trong đổi mới, sáng tạo chuyển đổi số.

5 sẵn sàng về kinh tế số

Tại kỳ họp thứ 20 của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, đặt câu hỏi với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Minh Hải, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Long Biên) nêu: Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số/GRDP của Thành phố chiếm 30%. Theo báo cáo của UBND Thành phố năm 2024, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 16%. Đại biểu đề nghị Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, khả năng hoàn thành và giải pháp nào hoàn thành chỉ tiêu trên?

Trả lời đại biểu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, theo quy định hiện nay, việc đo lường kinh tế số do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn.

Kinh tế số chia làm 3 phần chính: Ngành công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế số nền tảng và ứng dụng công nghệ số trong các ngành.

Theo thông cáo báo chí của Cục thống kê, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số của toàn quốc là 12,33%; của Hà Nội là 15,85%, đứng thứ 6/63 tỉnh, Thành phố và trước Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện, Hà Nội đang triển khai đồng bộ và toàn diện trên cả 3 trụ cột, với quan điểm chỉ đạo đồng bộ, thống nhất và tư tưởng thông suốt, tạo không khí thi đua phấn khởi trong đổi mới, sáng tạo chuyển đổi số.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số, kinh tế số
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trả lời chất vấn.

Về chính quyền số, xây dựng Thành phố thông minh, hạ tầng số, hạ tầng nền tảng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, có rất nhiều nội dung lớn đã hoàn thành. Tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024, Hà Nội đã được trao 2 giải Nhất về hạ tầng thông minh và dịch vụ công thông minh.

Hà Nội cũng đang trong nhóm dẫn đầu về chữ ký số, thương mại điện tử, sổ sức khoẻ điện tử… Thành phố đã hoàn thành 8/10 nội dung chỉ tiêu đến năm 2025 và trong đó 7 chỉ tiêu vượt trước. Các doanh nghiệp, hộ cá nhân đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Việc kê khai thuế điện tử chiếm khoảng 99,9% và Hà Nội cũng là đơn vị dẫn đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh tế số. Năm 2024, thu từ hoạt động thương mại điện tử đạt trên 38 nghìn tỷ đồng và chiếm 22% trong tổng thu từ sản xuất kinh doanh…

Về phương hướng, Thành phố Hà Nội xác định tiếp tục đẩy mạnh 3 trụ cột, trong đó bám sát tư tưởng chỉ đạo và định hướng chiến lược của Tổng Bí thư lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Đồng thời coi chuyển đổi số là chìa khoá để phát triển nhanh, bền vững; chuyển đổi số toàn xã hội với 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), 2 nền tảng (dữ liệu số, văn hoá số).

Về kinh tế số, Thành phố đang triển khai 5 sẵn sàng, gồm: Sẵn sàng về hạ tầng (Điện, sóng, 5G, dây điện kết nối); giao thông tốc độ cao, hệ thống logistic thuận tiện, chi phí thấp – tập trung đẩy mạnh trong năm 2025; ngân hàng số và thanh toán cho vay online; chính quyền số; tiếp tục bám sát chiến lược tại Nghị quyết 18 về kinh tế số với tầm nhìn mới với tư duy toàn cầu.

Năm 2025, hai lĩnh vực quan trọng Thành phố sẽ tập trung triển khai gồm công nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo và chíp bán dẫn.

“Cuối cùng vẫn là công nghệ kết hợp với con người, nguồn nhân lực số chất lượng cao và người đứng đầu là quan trọng nhất. Người đứng đầu trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng, dẫn dắt và truyền cảm hứng”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Đôn đốc triển khai các khu logistics và cảng cạn

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Hồ Vân Nga (Tổ Hai Bà Trưng) về việc triển khai khu logistics, cảng cạn trên địa bàn thành phố thời gian qua còn chậm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhận định vấn đề đại biểu nêu là đúng.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số, kinh tế số
Đại biểu nêu kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, từ năm 2021 cho đến nay, trên địa bàn Thành phố đã đi vào hoạt động 1 trung tâm logistics, 5 trung tâm thương mại, 30 siêu thị, 205 cửa hàng tiện ích và 110 điểm bán giới thiệu sản phẩm OCOP; đi vào hoạt động 7 chợ, đã hoàn thành đầu tư 5 chợ.

Trong quý I/2024, Thành phố đã bổ sung 2 danh mục dự án để đưa vào kêu gọi đầu tư là chợ đầu mối của Gia Lâm và Mê Linh. Chợ đầu mối tại Yên Thường, Gia Lâm, với quy mô 125ha, Tập đoàn T&T đang nghiên cứu cùng các đối tác để đầu tư. Với quy mô lớn, chợ kỳ vọng sẽ là đầu mối bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho Thủ đô.

Về các khu outlet, vừa qua Thành phố đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt bố trí quỹ đất hơn 70ha cách Sân bay Nội Bài 7km để làm khu outlet, sẽ tập trung bán sản phẩm chất lượng cao, thu hút nguồn ngoại tệ.

Về một số nội dung liên quan đến cảng cạn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện cảng ở Kim Hoa, Mê Linh đã bắt đầu hoàn thành, Thành phố đang đôn đốc đưa vào sử dụng. Cảng tại Cổ Bi, Gia Lâm hiện đang phát sinh vấn đề liên quan đến năng lực của chủ đầu tư, Thành phố đã đôn đốc và chủ đầu tư đã cam kết tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành phố đã bổ sung mục tiêu phấn đấu đạt 70% nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực tiễn, với phương châm phát triển nông nghiệp Thủ đô khác các địa phương khác, tập trung đa lĩnh vực, mang lại giá trị kinh tế cao nhất, thành phố chuyển đổi mô hình đầu tư nông nghiệp hữu cơ “mùa nào, thức ấy” sang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với một số sản phẩm, lĩnh vực vào địa bàn phù hợp, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch.

Phương Ngân

Theo Theo LĐTĐ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *