Nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng được đặt tên đường ở thành phố Đông Hà là một sự ghi nhận xứng đáng với những cống hiến của ông trong suốt những năm tháng làm phóng viên chiến trường ở mặt trận Quảng Trị
Trong những ngày này, cả nước đang hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Giới nhiếp ảnh và những đồng nghiệp báo chí lại nhớ tới một nghệ sĩ ưu tú đã để lại nhiều tấm ảnh quý giá về chiến tranh, nhất là sự dũng cảm của các lực lượng vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là nhà báo – liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng. Ông sinh năm 1934, tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên. Ông đã anh dũng hy sinh trên mặt trận Quảng Trị vào mùa hè năm 1972, khi mới 38 tuổi.
Thuở nhỏ, ông được cha mẹ gửi ra Hà Nội học chữ, rồi học nghề ở trường Kỹ nghệ Ðông Dương. Năm 1954, theo bạn bè, Lương Nghĩa Dũng đến huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và xin nhập ngũ ở đây. Sau hòa bình, ông được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử đi học để trở thành giáo viên dạy môn Vật lý. Năm 1965, ông được cử đi học lớp đào tạo phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) cho chiến trường miền Nam. Tốt nghiệp, ông hăng hái đi nhiều chiến trường và trở thành phóng viên ảnh chủ lực. Từ đây, nhiều tác phẩm ảnh nổi tiếng về chiến tranh của ông đã ra đời, ghi lại những khoảnh khắc oanh liệt của quân và dân ta, như: Đấu pháo ở Dốc Miếu, Lửa vây máy bay Mỹ, Nữ pháo binh Ngư Thủy, Đánh chiếm cứ điểm 365, Đưa xe tăng vào trận địa, Xốc tới… Bức ảnh “Lửa vây máy bay Mỹ” chụp trận địa pháo cao xạ 100 ly đang nhả đạn dữ dội vào máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời Hải Dương ngày 4/7/1967. Bức ảnh “Xốc tới” nổi bật với hình ảnh 2 chiến sỹ giải phóng đang truy kích địch tại mặt trận Đường 9. Bức ảnh “Đưa xe tăng vào trận địa” được nhà báo Lương Nghĩa Dũng chụp năm 1971 ghi lại những gian khổ và nguy hiểm của bộ đội và dân quân để ứng cứu 2 chiếc xe tăng trên đoạn đường lầy phía Đông Trường Sơn. Bức ảnh “Đánh chiếm cứ điểm 365” lại phản ánh sự khốc liệt tột cùng của chiến tranh, năm1972, mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Bức ảnh “Đấu pháo ở Dốc Miếu” ghi lại cảnh giữa những loạt pháo dồn dập trút xuống trận địa pháo ở Căn cứ Dốc Miếu (huyện Gio Linh). Năm 2007, tác phẩm này đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật v.v.
6 năm làm phóng viên ảnh chiến trường cho đến lúc hi sinh, nhà báo – liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng đã để lại 1 di sản khổng lồ: Hơn 2.000 bức ảnh. Ngần ấy đủ để thấy tấm gương sáng về tâm và tầm của người làm báo của ông trong việc chép sử bằng ảnh một cách quả cảm để ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu cam go, vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những gì mà nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là niềm tự hào đối với đội ngũ báo chí.
Năm 2017, nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (Giải thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước về văn học nghệ thuật – lĩnh vực nhiếp ảnh) với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” gồm 5 bức ảnh, trong đó có 2 bức ảnh ở chiến trường miền Bắc và 3 bức ảnh ở chiến trường Quảng Trị.
Một số bức ảnh của Nhà báo Lương Nghĩa Dũng (ảnh TL)
Tại Kỳ họp thứ 28 vừa diễn ra, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VIII đã thông qua Nghị quyết đặt tên nhiều tuyến đường tại thành phố Đông Hà. Trong số đó có con đường mang tên nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng. Tuyến đường này nằm sau đường Hùng Vương (trục chính của thành phố Đông Hà) một dãy nhà, nằm gần các sở, ngành của tỉnh Quảng Trị.
Nhiều nhà báo khi biết tin đều rất vui và khẳng định: Nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng được đặt tên đường ở thành phố Đông Hà là một sự ghi nhận xứng đáng với những cống hiến của ông trong suốt những năm tháng làm phóng viên chiến trường ở mặt trận Quảng Trị – một trong những mặt trận khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nước ta.
Việc đặt tên đường Lương Nghĩa Dũng của tỉnh Quảng Trị càng có ý nghĩa và thể hiện sự tri ân tấm gương anh dũng hy sinh của nhà báo trên “đất lửa” anh hùng, khi những ngày này, cả nước cùng hướng về kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 35 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/11/1989 – 22/12/2024) với nhiều hoạt động thiết thực.
Quang Thanh (T/h)