Nghệ thuật

Thông tư hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 13/TT-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thông tư gồm 7 điều hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cấp tỉnh). Thông tư áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, Thông tư quy định đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cấp tỉnh có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật và giải trí của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua hoạt động nghệ thuật biểu diễn; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và phục vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn theo quy định của pháp luật. Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, trụ sở theo quy định của pháp luật.

Một tiết mục đặc sắc trong Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2024. Ảnh minh họa

Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

Xây dựng kế hoạch hoạt động nghệ thuật biểu diễn dài hạn, hàng năm hoặc đột xuất trình cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; Xây dựng, phổ biến các tác phẩm, chương trình nghệ thuật biểu diễn; xây dựng, thực hiện các mô hình hoạt động mẫu thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Khai thác, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục dựng, giới thiệu, quảng bá và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn; Chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương; Phối hợp tổ chức các cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo quy định của pháp luật; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, sáng tác nâng cao trình độ kỹ năng biểu diễn cho lực lượng diễn viên của đơn vị theo kế hoạch được phê duyệt; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ sở đào tạo về nghệ thuật trong việc lựa chọn, đào tạo người có năng khiếu về nghệ thuật biểu diễn; Hợp tác, giao lưu, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về nghệ thuật biểu diễn với các đơn vị liên quan trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật; Tham gia các cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật…

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/ 2025. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Nghệ thuật biểu diễn) để được hướng dẫn hoặc xem xét, sửa đổi, bổ sung.

CTTĐT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *