Văn hóa cơ sở

Hoài Đức kiểm tra việc thực hiện 02 bộ quy tắc ứng xử năm 2024 tại 2 xã và 2 trường học trên địa bàn

Trong 2 ngày 29 và 30/10/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện do đồng chí Nguyễn Viết Thanh – Phó trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hoài Đức làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc huyện và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện năm 2024 tại xã Cát Quế, Tiền Yên và trường Tiểu học Lý Nam Đế, trường THCS Sơn Đồng.

Đoàn kiểm tra làm việc tại xã Tiền Yên – Ảnh: Cổng TTĐT Hoài Đức

Theo đó, trong năm 2024, thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc huyện và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện đã được Đảng ủy, HĐND, UBND xã Cát Quế, xã Tiền Yên quan tâm chỉ đạo.

Công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, các hội nghị đoàn thể, tuyên truyền trực quan tại nơi công cộng, nhà văn hóa và lồng ghép các nội dung quy tắc ứng xử trong các buổi sinh hoạt thôn, khu dân cư. 100% các phòng làm việc tại trụ sở xã, nhà văn hóa các thôn và các di tích lịch sử trên địa bàn được niêm yết bảng quy tắc ứng xử.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm quy định làm việc của Nhà nước, của cơ quan; sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả; trang phục lịch sự-gọn gàng; cử chỉ nghiêm túc; thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp… Tích cực tham gia xây dựng, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp; môi trường văn hóa thân thiện, văn minh nơi công sở. Giải quyết nhiệm vụ tại cơ quan làm việc đúng quy định, quy trình.

Thực hiện tốt phong trào: “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Duy trì triển khai tốt mô hình 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng) sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc, xây dựng trụ sở sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, mang tính khoa học cao. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan.

Đoàn kiểm tra làm việc tại xã Cát Quế – Ảnh: Cổng TTĐT Hoài Đức

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng được xã Cát Quế và xã Tiền Yên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn, làm đẹp cảnh quan môi trường, chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, công tác phòng chống dịch bệnh, cháy nổ… Đặc biệt là việc đưa quy tắc ứng xử nơi công cộng vào các di tích gắn với xây dựng nét đẹp văn hóa, biến hành động trở thành thói quen, nếp sống của mỗi người dân, du khách khi đến tham quan, vãn cảnh.

Tại trường Tiểu học Lý Nam Đế, để thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử được lan tỏa, sâu rộng trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động, nhà trường đã triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền trên các nền tảng điện tử ứng dụng zalo, facebook, Website của trường; trên hệ thống phát thanh của trường vào các buổi sáng hàng tuần; treo pano và niêm yết các bảng quy tắc ứng xử tại hội trường, các phòng học, chức năng; tổ chức các buổi sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan lồng ghép triển khai nội dung 02 bộ quy tắc ứng xử, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động “kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện” trong nhà trường.

Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động nhà trường thực hiện nghiêm túc và sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả; đeo, cài thẻ tên, chức danh đúng quy định; trang phục công sở luôn lịch sự; cử chỉ nghiêm túc, thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng đồng chí, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh; sử dụng ngôn ngữ hòa nhã; trường lớp luôn ngăn nắp gọn gàng, sạch đẹp. Đồng thời, chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan trong thực thi công vụ; gương mẫu về đạo đức, lối sống; chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức, nhiệm vụ cấp trên giao; giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương.

Đoàn kiểm tra làm việc tại trường TH Lý Nam Đế – Ảnh: Cổng TTĐT Hoài Đức

Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh các mô hình “Cổng trường an toàn-văn minh”, “Trường học sáng-xanh-sạch-đẹp-nở hoa”, “trường học hạnh phúc”, nhằm xây dựng quy tắc ứng xử nơi công cộng đạt hiệu quả, bền vững.

Trường THCS Sơn Đồng hiện có 52 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử đã được nhà trường thực hiện đi vào nề nếp. Công tác tuyên truyền được tổ chức sâu rộng, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học, từ đó nâng cao trách nhiệm của nhà trường với việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thực hiện đúng chuẩn mực, đạo đức của bộ quy tắc ứng xử. Nhiều giáo viên là tấm gương để đồng nghiệp noi theo về lối sống, cách ứng xử văn hoá, văn minh.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong và ngoài trường học; biểu dương kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích; nhân rộng điển hình nói lời hay, cử chỉ đẹp.

Công tác kiểm tra thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử được nhà trường chú trọng, giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử gắn với phong trào văn hóa công sở. Kết quả, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật, kỷ cương của ngành, nội quy, quy chế của đơn vị. Nhà trường còn triển khai, nhân rộng 04 mô hình: “Trường học xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”, “Xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay, làm việc tốt, cảnh quan đẹp”, “Xây dựng môi trường học là một địa chỉ văn hóa”, đã tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và mang lại nhiều lợi ích giáo dục học sinh về các chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, tại 4 đơn vị đoàn kiểm tra vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử như: Công tác tuyên truyền việc triển khai bộ quy tắc ứng xử chưa được đồng bộ, có chiều sâu; ý thức chấp hành quy tắc ứng xử nơi công cộng của một bộ phận người dân còn chưa nghiêm túc, tình trạng vứt rác thải không đúng nơi quy định vẫn còn, ảnh hưởng chung đến cảnh quan môi trường; một số học sinh dùng ngôn ngữ chưa đúng chuẩn mực và hiếu động, cá tính, chưa thật thân thiện, hợp tác giúp đỡ bạn…

Phó trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Thanh phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: Cổng TTĐT Hoài Đức

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Nguyễn Viết Thanh đánh giá cao sự nỗ lực của xã Cát Quế, xã Tiền Yên và trường Tiểu học Lý Nam Đế, trường THCS Sơn Đồng trong việc thực hiện hiệu quả 2 bộ quy tắc ứng xử và đề nghị: Trong thời gian tới, 2 xã tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của UBND Thành phố trên địa bàn; Chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể, các chi bộ, các thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện nghiêm bộ quy tắc ứng xử. Đưa việc thực hiện bộ quy tắc là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại cuối năm. Bổ sung và làm mới các hệ thống biểu bảng quy tắc ứng xử tại các điểm công cộng, nhà văn hóa, di tích lịch sử và khen thưởng động viên kịp thời các tập thể cá nhân thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử. Đối với trường Tiểu học Lý Nam Đế và trường THCS Sơn Đồng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao năng lực, giáo dục ứng xử văn hóa; niêm yết các bộ quy tắc ứng xử ngoài cổng trường, trong lớp học, hội trường…để hàng ngày học sinh và giáo viên có thể thấy và thực hiện. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử, để từ đó, hình thành phong cách ứng xử trong môi trường giáo dục chuẩn mực, đảm bảo tính liêm chính, trách nhiệm, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ.

Chu Hồng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *