Văn hoá đời sống

Xây dựng gia đình văn hóa trong cuộc sống hiện đại

Phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp bên cạnh việc tiếp thu các yếu tố mới, loại bỏ những quan điểm lỗi thời, không còn phù hợp xã hội hiện đại, văn minh, đó là định hướng trong xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta. Điều này […]

Phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp bên cạnh việc tiếp thu các yếu tố mới, loại bỏ những quan điểm lỗi thời, không còn phù hợp xã hội hiện đại, văn minh, đó là định hướng trong xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta. Điều này cần có những nghiên cứu sâu sắc trong sự chuyển động chung của xã hội để từ đó có những giải pháp cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả.

Việc xây dựng gia đình văn hóa trong những năm qua đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt Nam đang trong quá trình biến đổi để thích ứng với những điều kiện mới. Ngay trong cấu trúc của gia đình đã có những đổi thay, ngày càng ít đi những gia đình nhiều thế hệ kiểu “tam đại, tứ đại đồng đường”. Quy mô gia đình thu hẹp với mô hình hai thế hệ và ít con. Lối sống công nghiệp với các điều kiện về thu nhập, chi tiêu, nhà cửa, ý thức về tự do cá nhân khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không thật gắn kết như trước. Trong khi còn đang lúng túng định hình những giá trị mới cho gia đình thì mặt trái của cơ chế thị trường cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài tràn vào đã gây tác động không tốt. Đạo đức gia đình đang có những biểu hiện suy giảm, xuống cấp. Cách sống, lối sống xa lạ, lệch chuẩn đã xuất hiện ở không ít gia đình. Lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, đề cao lợi ích cá nhân đã tác động mạnh tới các giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam như lòng nhân ái, vị tha, sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau… Đặc biệt, bạo lực gia đình và nạn xâm hại tình dục trẻ em gái đang gây nhức nhối cho toàn xã hội.

Để cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa đạt hiệu quả không thể không nghiên cứu một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng những chuyển động của gia đình Việt Nam trong cuộc sống hiện đại, từ đó có những nội dung, giải pháp cụ thể, thiết thực. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng phong trào chung chung mang tính chất kêu gọi, hô hào là chính. Gia đình truyền thống Việt Nam trải qua bao đời đã hình thành nên những nét văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như: lòng yêu nước, tự hào dân tộc, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, anh chị em hòa thuận, chung thủy, nghĩa tình trong quan hệ vợ chồng, hy sinh hết mình vì con cái. Tinh hoa văn hóa gia đình truyền thống đã góp phần quan trọng tạo nên văn hóa dân tộc. Trong cuộc sống hiện đại, những tinh hoa văn hóa ấy vẫn tồn tại và là nền tảng vững chắc để xây dựng văn hóa gia đình. Cho dù cuộc sống hiện đại đã làm cho gia đình đổi thay, song những tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống vẫn tồn tại và là định hướng giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam.

Bên cạnh việc phát huy những tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống cần phải loại bỏ những yếu tố lỗi thời không còn phù hợp xã hội văn minh, điển hình là thói gia trưởng và thái độ trọng nam khinh nữ. Cho đến nay, đầu óc gia trưởng không phải không còn tồn tại trong các gia đình với những quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng”, giữ chữ hiếu là phải có con trai nối dõi tông đường, con cái không được xa rời bố mẹ, phải ở quây quần trong một nhà, phải nghe theo lời bố mẹ trong mọi việc, kể cả việc dựng vợ, gả chồng… Thái độ trọng nam, khinh nữ là căn nguyên, là gốc rễ đưa tới bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay. Mặc dù ngày nay, người phụ nữ đã được giải phóng rất nhiều khỏi các ràng buộc, quy định của tam tòng, tứ đức, tam cương ngũ thường, nhưng sự bất bình đẳng trong gia đình vẫn tồn tại. Những phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn phải cam chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong gia đình.

Cấu trúc của gia đình trong cuộc sống hiện đại thay đổi khi không còn gia đình nhiều thế hệ mà phát triển gia đình hai thế hệ ít con hơn và quy mô nhỏ hơn. Tất nhiên sẽ sinh ra những khoảng trống, nhất là đối với thành viên là trẻ em và người già. Công tác xây dựng gia đình văn hóa cần quan tâm đặc biệt tới những khoảng trống đó. Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều áp lực, con người phải bươn trải với thời gian và cường độ công việc nhiều hơn để kiếm tiền, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Các bậc cha mẹ bận bịu công việc nhiều hơn, hầu như không còn thời gian để chăm lo, giáo dục con cái. Ngay từ lúc còn nhỏ, các em đã được gửi vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Đến khi học các cấp học cao hơn như tiểu học, trung học thì ngoài thời gian học chính khóa ở trường, các em còn phải học thêm, học nghề, tham gia đủ các hoạt động ngoại khóa. Hiện tượng trẻ em sớm tách khỏi môi trường gia đình ngày một tăng. Trách nhiệm giáo dục hầu như được giao phó cho nhà trường, trong khi giáo dục trong gia đình là vô cùng quan trọng đối với trẻ. Từ khi đứa trẻ chào đời đã được sưởi ấm trong không khí gia đình, rồi được sống trong tình thương yêu ruột thịt của cha mẹ, anh em, mối quan hệ ấy là cơ sở của giáo dục gia đình để các em hình thành nhân cách. Tách khỏi môi trường gia đình là các em mất đi mái ấm để nuôi dưỡng tình cảm, tâm hồn. Cho nên cần phải tìm những giải pháp để các gia đình, nhất là các gia đình trẻ ngày nay chú trọng chăm lo, giáo dục con cái nhiều hơn.

Công tác giáo dục gia đình ngày càng trở nên cấp thiết, người cao tuổi trong gia đình hiện nay vẫn giữ được sự kính trọng, nhưng không còn uy tín và sự ảnh hưởng lớn như trước. Việc vai trò của người cao tuổi bị giảm dần dễ dẫn đến ý thức coi thường ông bà, cha mẹ. Không ít trường hợp cha mẹ trở thành người giúp việc cho con cái. Quy mô gia đình nhỏ, đặc thù công việc khác nhau, mối quan hệ lỏng lẻo, ít có điều kiện chăm sóc cho người cao tuổi, chính vì vậy người cao tuổi thường ở trong tâm trạng cô đơn, nhất là lúc ốm đau, bệnh tật. Khi xây dựng gia đình văn hóa, vấn đề chăm sóc người cao tuổi phải là một trong những nội dung quan trọng vì chính nó đã đề cao chữ hiếu, một giá trị cốt lõi của gia đình truyền thống. Cần thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng người cao tuổi, tìm mọi cách làm vơi bớt sự cô đơn ở người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Theo Báo Nhân dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *