Tin ngành

Tọa đàm “Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân, phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”

Tọa đàm đã được lắng nghe các ý kiến phát biểu, tập trung trao đổi một số nội dung quan trọng như: Nhận diện giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học của Lễ hội đền Đồng Nhân; định hướng phát triển công nghiệp văn hóa từ Lễ hội truyền thống qua trường hợp Lễ hội đền Đồng Nhân; định hướng nâng cao năng lực thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho cộng đồng chủ thể di sản…

 Sáng 24/12, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng tổ chức Tọa đàm “Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân, phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”. Tới dự Tọa đàm có các đại biểu: Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đồng chí Nguyễn Văn Nam, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng… Đặc biệt, Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu: PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; GS Trần Lâm Biền; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; PGS. TS Phạm Lan Oanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS Lê Thị Thu Hương, Viện trưởng viện Hà Nội học, Trường Đại học Thủ đô; TS Nguyễn Thị Dơn, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Cùng dự Tọa đàm có đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin các quận: Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm; đại diện cộng đồng nơi có di tích thờ Hai Bà Trưng giao hiếu với cộng đồng làng Đồng Nhân…

Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội  cho biết, Thủ đô ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ kho tàng di sản văn hóa phong phú với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và phân loại theo 6 loại hình. Lễ hội truyền thống là 1 trong 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể chiếm tỷ lệ 67% di sản văn hóa phi vật thể đã dược nhận diện kiểm kê trên địa bàn. Lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của cộng đồng từ lâu đời. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thì lễ hội còn có vai trò quant rọng trong giáo dục truyền thống văn hóa – lịch sử, uống nước nhớ nguồn.

Theo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 và Luật Di sản văn hóa 2024, cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra, bảo tồn, duy trì và tái tạo di sản văn hóa phi vật thể từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Lễ hội truyền thống là hoạt động sinh hoạt tinh thần của cộng đồng với vai trò chủ thể là cộng đồng dân cư địa phương. Sức mạnh của cộng đồng được hội tụ qua các nghi thức hành lễ..Vì vậy, trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, luôn ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các ý  kiến tại Tọa đàm là cơ sở quan trọng  để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng và cộng đồng chủ thể xây dựng và đề xuất các chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành nói chung và di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Đồng Nhân nói riêng.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Ủy viên ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng phát biểu chào mừng Tọa đàm

Phát biểu chào mừng Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Ủy viên ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Quận hiện có 51 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 35 di tích xếp hạng. Gắn liền với các di tích là các sinh hoạt văn hóa phi vật thể, các lễ hội. Quận đã hoàn thành việc số hóa công tác quản lý di tích thông qua trang thông tin điện tử “360° di tích lịch sử – văn hóa quận Hai Bà Trưng” và đang đề xuất công nhận Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng là điểm du lịch cấp thành phố.

Lễ hội đền Đồng Nhân được cộng đồng cư dân phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) duy trì tổ chức hàng năm từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Hai âm lịch. Lễ hội thể hiện lòng tôn vinh, biết ơn đối với hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị thông qua các nghi lễ rước nước, tế lễ truyền thống. Đặc biệt, lễ hội còn giữ được tục kết chạ, giao hiếu – phong tục đẹp góp phần tăng cường đoàn kết giữa các địa phương có di tích thờ Hai Bà. Hôm nay, quận được phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức buổi tọa đàm hết sức ý nghĩa này để hỗ trợ xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn, phát huy giá trị những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể gắn các di tích và lễ hội, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận đóng góp của các đại biểu dự hội nghị tọa đàm để làm rõ nét hơn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Đồng Nhân (lễ hội Hai Bà Trưng) phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, nhất là ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Buổi tọa đàm “Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân” thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng địa phương cùng trao đổi về giá trị văn hóa, lịch sử của di sản, đồng thời định hướng nâng cao năng lực thực hành và bảo vệ di sản của cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa.

 

Tọa đàm được nghe 8 ý kiến đóng góp

Tọa đàm đã được lắng nghe 8 ý kiến phát biểu, tập trung trao đổi các nội dung như: Nhận diện giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học của Lễ hội đền Đồng Nhân; định hướng phát triển công nghiệp văn hóa từ Lễ hội truyền thống qua trường hợp Lễ hội đền Đồng Nhân; định hướng nâng cao năng lực thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho cộng đồng chủ thể di sản; đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản Lễ hội đền Đồng Nhân…

Tại Tọa đàm, các đại biểu nhà khoa học, nhà chuyên môn, đại diện cộng đồng thực hành di sản tại tọa đàm cũng cho rằng, vai trò của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Đồng Nhân. Mặt khác, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không chỉ ở cộng đồng dân cư sinh sống lâu năm tại địa phương mà còn cần sự tham gia cả những người trẻ tuổi. Cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bávề di sản…

Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà chuyên môn

Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng cho biết, các ý kiến thể hiện sự tâm huyết của các nhà khoa học, nhà chuyên môn. UBND quận Hai Bà Trưng trân trọng tiếp thu các ý kiến tại Tọa đàm. Đây là những nguồn tài liệu quý giá để quận tiếp tục  phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hoàn thiện hồ sơ đề nghị đưa Lễ hội đền Đồng Nhân vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thanh Bình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *