Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Huyện Đông Anh: Quan tâm phát triển con người, xây dựng nguồn nhân lực

Huyện Đông Anh đã đặt ra tiêu chí xây dựng người Đông Anh với những tiêu chí: Cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài…

Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025” được triển khai sâu rộng trên địa bàn Thủ đô, trong đó nhấn mạnh và khẳng định: Chuẩn mực con người là chuẩn mực xã hội. Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia.

Tiếp thu tinh thần của Thành ủy, huyện Đông Anh luôn xác định gia đình là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, nơi xây dựng các giá trị, đức tính tốt đẹp, phong cách ứng xử của con người. Huyện đã đặt ra tiêu chí xây dựng người Đông Anh với những tiêu chí: Cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài… Qua đó xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, theo hướng Chân – Thiện – Mỹ.

Từ năm 2020, Huyện ủy Đông Anh đã ban hành Chương trình 04-CTr/HU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch văn minh, giai đoạn 2020-2025”. UBND huyện Đông Anh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, đặc biệt là bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, với mục đích đưa Quy tắc ứng xử dần trở thành nếp sống, lối sống của mỗi người dân trong huyện.

Việc bảo tồn nền nếp, gia phong trong gia đình tại huyện Đông Anh trên nền tảng của văn hóa Việt Nam lấy những giá trị chuẩn mực như: Lễ giáo, hiếu học, trọng tình nghĩa, sống nhân ái, tinh thần tự tôn, tự lực… làm cái gốc để hình thành và phát triển gia đình hiện đại, tạo thành sức mạnh nội sinh, là tấm khiên để mỗi gia đình chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng từ bên ngoài. Và gia đình hiện đại phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống, trở thành gia đình bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, yêu thương, đùm bọc nhau, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm và tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Các gia đình ở huyện Đông Anh cùng hướng tới việc “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và đề cao phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa…

Huyện ủy Đông Anh tổng kết Chương trình 04-CTr/HU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2020-2025”.

Công tác gia đình được xác định là sự nghiệp của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Việc tuyên truyền về gia đình được cả hệ thống chính trị ở huyện Đông Anh quan tâm, nhất là trong những dịp kỷ niệm như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11) và qua các hội nghị phổ biến pháp luật về gia đình, về phòng, chống bạo lực gia đình…

Bên cạnh đó, huyện Đông Anh cũng chú trọng thông tin, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trong xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, qua chuyên mục “Đông Anh đẹp và chưa đẹp”, “Góc nhìn văn hóa”, “Người Đông Anh  thanh lịch, văn minh”… trên trang  thông tin điện tử của huyện. Hàng năm, huyện Đông Anh đều tổ chức Ngày hội văn hoá – thể thao cho các gia đình nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam; biểu dương, khen thưởng các gia đình văn hoá tiêu biểu…

Về phía cơ sở, các chỉ tiêu cơ bản về gia đình đã được hầu hết các cấp ủy, chính quyền đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, qua Hội nghị đại biểu nhân dân hằng năm bàn về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được nhân rộng, việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình được chú trọng…

Đông Anh đã thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình huyện và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác gia đình tại cơ sở. Năm 2023, toàn huyện Đông Anh đã có 92.866/96.635 (96,1%) hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá. Năm 2024 là 92.650 hộ (96.2%). Tỷ lệ thôn, làng được công nhận danh hiệu Làng văn hoá: 154/155 (99,3%). Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hoá: 40/40, đạt 100%. 100% thôn, làng, TDP đều có nhà văn hóa. Số người tập luyện TDTT thường xuyên là 181.580/416.441 người đạt 43,60%. Số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên là 40.080/108.192 hộ đạt 37,0%%. Toàn huyện có 93,6% trường đạt chuẩn Quốc gia. Huyện Đông Anh xếp thứ 8/30 quận, huyện của Hà Nội về số lượng học sinh giỏi các bộ môn văn hóa lớp 9 tham gia các kỳ thi cấp thành phố…

 

 

Các di sản văn hóa, thiết chế văn hóa luôn được quan tâm

Hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao từ huyện đến cơ sở, các thôn, tổ dân phố được quan tâm đầu tư đồng bộ. Tính đến tháng 8/2024: toàn huyện có 155/155 nhà văn hoá thôn, 30/30 nhà văn hoá tổ dân phố đạt chuẩn, có 249 điểm sinh hoạt cộng đồng, 75 công viên mini. Toàn huyện có 319 di tích nằm trong Danh mục kiểm kê di tích, trong đó có 142 di tích xếp hạng gồm: 7 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 63 di tích xếp hạng quốc gia, 72 di tích xếp hạng cấp thành phố; Lễ hội Cổ Loa, nghệ thuật Múa rối nước Đào Thục được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 03 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia; 14 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Quan tâm phát triển con người, xây dựng nguồn nhân lực, những năm qua, huyện Đông Anh đã tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị. Huyện đã phối hợp mở các lớp bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho 2.134 học viên, 02 lớp đào tạo Thạc sĩ tại huyện cho 73 học viên. Mở được 03 lớp Trung cấp lý luận chính trị cho 217 học viên; 40 lớp khối đoàn thể bồi dưỡng cho 8.200 học viên; 111 lớp quản lý Nhà nước bồi dưỡng cho 18.714 học viên đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng cán bộ cho hệ thống chính trị huyện. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm. Đến nay, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ Thạc sĩ là 3,2%; Đại học là 78,9%; Cao đẳng: 15%; Trung cấp: 2,8%.

Công tác đào tạo nghề và bồi dưỡng nguồn nhân lực được chú trọng. Đông Anh đã thực hiện tốt việc phân luồng đào tạo ngay từ THCS, THPT, tập trung bồi dưỡng cho học sinh lý tưởng nghề nghiệp và yêu cầu ngành nghề hiện nay để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp cho tương lai.

Nhằm quan tâm hơn nữa đến đời sống Nhân dân, nâng cao chất lượng sống, chất lượng nguồn nhân lực, trong thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ tập trung ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo 50 di tích theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025. Hoàn thành chỉ tiêu xây mới 80% Trung tâm văn hóa thể thao xã. Phấn đấu 100% các trường công lập trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước của huyện. Thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng, ứng xử văn minh trường học, công sở, tạo chuyển biến rõ nét trong nếp sống thanh lịch, văn minh.

Thanh Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *