Tin tức - Sự kiện10 Tháng Một, 2025Tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025 Sáng 10/1, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị có đồng chí Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND thành phố; ông Trần Văn Mạnh, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; đại diện lãnh đạo Thường trực UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố; Đại diện các sở, ban, ngành; Đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các đồng chí Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin; Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã.Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Cùng dự có các đồng chí Phó Giám đốc Sở, các đồng chí trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở, công chức khối quản lý nhà nước; trưởng các phòng, ban thuộc các đơn vị sự nghiệp; các cá nhân, đơn vị được khen thưởng và các phóng viên cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Hội nghị đã cùng theo dõi phim phóng sự về các hoạt động nổi bật của ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong năm 2024. Theo đó, từ đầu năm tới nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ động tham mưu, quyết liệt triển khai toàn diện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Gia đình và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Công tác tham mưu thể chế, chính sách đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Thành phố; Chương trình số 06 của Thành ủy; Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động văn hóa cơ sở gắn với 02 Quy tắc ứng xử của Thành phố tiếp tục có hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Thành phố được thực hiện tốt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy; Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đầu tư tu bổ các di tích. Toàn cảnh Hội nghị Đặc biệt trong năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan Thường trực, chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Thành phố tham mưu tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong nhân dân. Sở là Cơ quan thường trực tham mưu công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, được thành phố giao trực tiếp chủ trì 18 nhiệm vụ, trong đó có 02 sự kiện quan trọng nhất là Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình và Lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; công tác phối hợp triển khai chặt chẽ, đồng bộ, trách nhiệm, đoàn kết giữa các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, nên các sự kiện đều diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân Thủ đô, tạo dấu ấn mạnh mẽ với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế Thủ đô Hà Nội là thành phố Hòa bình, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị nhân văn cao đẹp. Về công tác tham mưu, thể chế chính sách: Hoàn thành tham mưu 04 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố; Đặc biệt, đã tham mưu Điều 21 và nhiều nội dung quan trọng về lĩnh vực văn hóa của Luật Thủ đô (sửa đổi) và Kế hoạch số 225 của UBND Thành phố về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Có thể khẳng định đây là kim chỉ nam đề ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao được tổ chức sâu rộng, trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội, thông qua đó tạo được không khí, cảm hứng cho hoạt động chung của Thành phố, từng bước góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09 của Thành ủy về Phát triển Công nghiệp Văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045, thu hút doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Năm 2024, Hà Nội đã tổ chức 3.021 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao; trong đó, nhiều Chương trình lớn, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế Chương trình Chào năm mới Countdown, Lễ hội Ánh sáng, các hoạt động chạy Marathon quốc tế, Chương trình Âm nhạc mùa thu, Lễ hội thiết kế sáng tạo, Lễ hội văn hóa ẩm thực, Giao lưu âm nhạc quốc tế, Giọng hát hay Hà Nội mở rộng. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ – Văn hóa đọc, Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và Logo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Giải chạy báo Hà Nội Mới, giải Bơi chải thuyền rồng, Ngày hội thể thao người cao tuổi… Trong đó điểm nhấn là Ngày hội văn hóa vì hòa bình và Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đối với công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể, đã tham mưu UBND Thành phố trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 9 hồ sơ khoa học đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia gồm: Phở Hà Nội, Nghề làm xôi Phú Thượng, Nghề làm trà sen Quảng An, Lễ hội chùa Thầy, Lễ hội đình Tường Phiêu, Nghề may Trạch Xá, Hội hai làng Văn Giang – Nam Dương, Hội diều làng Bá Dương Nội, Lễ hội làng Keo. Tham mưu UBND Thành phố ban hành các Quyết định phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch về Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2; Quyết định ban hành Kế hoạch số 4726 về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lần thứ 4 và nhiều hoạt động chuyên môn khác để phát huy giá trị di sản phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ngành văn hóa và thể thao Hà Nội cũng triển khai dịch vụ mới tại các di sản nổi tiếng của Hà Nội như tour đêm tại các di tích, địa điểm văn hóa lịch sử: di tích nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Hà Nội; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, đương đại, trò chơi dân gian. Các hoạt động giáo dục truyền thống đã thu hút lượng lớn khách trong nước, quốc tế đến thăm và trải nghiệm. Tính đến đến tháng 12/2024, thành phố đón gần 3,4 triệu lượt khách (trong đó du khách quốc tế gần 2 triệu lượt), tham mưu các cơ quan Trung ương và Thành phố Hà Nội tổ chức đón tiếp hơn 50 đoàn ngoại giao quốc tế đến tham quan. Về công tác quản lý lễ hội: Tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024. Trên địa bàn Thành phố đã có 1.551 lễ hội được tổ chức. Công tác phối hợp quản lý giữa các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã đã diễn ra an toàn, hiệu quả, văn minh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân Thủ đô và du khách, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết Nguyên đán và đầu năm mới. Công tác trang trí tuyên truyền, cổ động trực quan tại Thành phố luôn đổi mới và được thực hiện theo hình thức truyền thống và hiện đại. Trang trí tuyên truyền cổ động trực quan tại các trục đường, tuyên phố chính, khu vực trung tâm Thành phố; tuyên truyền trên hệ thống màn hình Led đã được Thành phố chấp thuận. Tập trung trang trí, tuyên truyền vào một số các sự kiện lớn như: kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Giáp Thìn; kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam … Trong đó hoạt động trang trí cho sự kiện 70 năm Giải phóng thủ đô đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất tích cực. Thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chào mừng các ngày lễ lớn. Tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan, Hội diễn: Liên hoan Đồng ca Hợp xướng và Múa tập thể Thiếu nhi tại Trung tâm Văn hóa thành phố. Cuộc thi nhảy hiện đại “Nhịp sống trẻ” – Hà Nội lần thứ II; tổ chức chiếu phim tuyên truyền và biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu ngoài trời nhân các ngày kỷ niệm và tổ chức tuần phim kỷ niệm các ngày Lễ lớn của Thủ đô và Đất nước thu hút 19.200 lượt người xem trong 160 buổi. Triển khai tốt trong công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, thẩm định các chương trình nghệ thuật phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô; tham mưu Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở kịch, trích đoạn, vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông”; triển khai Kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô, giai đoạn 2021-2025 năm 2024. Các Nhà hát đã dàn dựng 18 vở diễn. Tổ chức biểu diễn được 3.021 buổi, trong đó: 516 buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại; 2.505 buổi diễn doanh thu với tổng số tiền là 65,8 tỷ đồng/48,4 tỷ đồng, thu hút 1,1 triệu lượt khán giả xem biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật thuộc Sở tích cực tham gia các cuộc thi do Trung ương tổ chức đạt 01 vở diễn xuất sắc, 02 HCV vở diễn, 19 HCV và 28 HCB cá nhân, 06 giải cá nhân xuất sắc, 01 giải đặt biệt họa sỹ tạo hình con rối, 01 giải khán giả yêu thích nhất. Đối với hoạt động thư viện, thư viện Hà Nội tiếp tục bổ sung mới các sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ đa dạng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều đối tượng. Năm 2024, Thư viện Hà Nội phục vụ bạn đọc tại chỗ, cho mượn về nhà và qua không gian mạng với số lượng bạn đọc đạt: 4.044.113 lượt (tăng 48.2% so với cùng kỳ năm 2023); lượt tài nguyên thông tin phục vụ đạt: 8.879.216 lượt (tăng 42.5% so với cùng kỳ năm 2023). Xây dựng văn hóa cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện có hiệu quả, thông qua việc nâng cao các danh hiệu văn hóa với 03 chỉ tiêu pháp lệnh Gia đình văn hóa (trên 73.5%), làng văn hóa (trên 64%), tổ dân phố văn hóa (trên 88%) đều vượt chỉ tiêu kế hoạch; Các mô hình hay đã thực hiện nhân rộng trên toàn Thành phố, 30 quận, huyện, thị xã đã đăng ký 61 mô hình; tiếp tục triển khai có hiệu quả 02 quy tắc ứng xử bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các phong trào thi đua, khen thưởng. Tham mưu ban hành Nghị quyết “Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025”; Quy chế quản lý, sử dụng tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện có hiệu quả thiết chế văn hóa tại cơ sở, đáp ứng nhu cầu hường thụ các hoạt động văn hóa, tập luyện thể thao của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về gia đình với những hoạt động nổi bật: Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Tham mưu phục vụ buổi thăm và gặp mặt của Chủ tịch nước và lãnh đạo UBND Thành phố với các Gia đình tiêu biểu tại thị xã Sơn Tây nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2024; tham mưu UBND Thành phố Tổ chức Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu, đã biểu dương khen thưởng 87 Gia đình tiêu biểu thuộc các lĩnh vực trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Các hoạt động thể dục thể thao cho mọi người góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đông đảo quần chúng nhân dân. Tổ chức tổng số 81 giải thể thao cấp Thành phố, trong đó có các hoạt động sự kiện lớn như: Giải thể thao hè Thành phố tổ chức 12 môn thi, tổng số 4.577 vận động viên. Giải chạy Báo Hànộimới làn thứ 49 – Vì hòa bình, 100% các cấp cơ sở đến Thành phố triển khai tổ chức, số người tham gia chạy gần 750 ngàn lượt vận động viên cơ sở. Nhiều môn thể thao thế mạnh của Hà Nội đã đóng vai trò nòng cốt của Đội tuyển Quốc gia như: Bắn cung, Wushu, Kiếm, Vật, Cầu Mây…; tại các giải quốc gia có 18 bộ môn của Thể thao Hà Nội đứng thứ nhất toàn đoàn; tại Olympic 2024, có 02 VĐV vượt qua vòng loại Hà Thị Linh môn Boxing nữ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt môn Bắn cung hoàn thành chỉ tiêu số lượng vận động viên vượt qua vòng loại tham dự Olympic Paris năm 2024. Ghi nhận những thành tích đã đạt được của ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô trong năm 2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng hưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân; Chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 13 cá nhân có thành tích trong triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Thư viện Hà Nội. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Vũ Thu Hà Phó Chủ tịch UBND thành phố đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành Văn hóa và Thể thao trong năm qua khi đã đạt được các chỉ tiêu đề ra. Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, với vai trò, vị thế của mình, ngành văn hóa và thể thao cần tập trung giải quyết những vấn đề cần quan tâm như: thay đổi các tiếp cận để triển khai các hoạt động,trong đó cần tổ chức các hoạt động mang tính định hướng, dẫn dắt để lan tỏa, tạo chuyển biến tích cực trong các hoạt động văn hóa và thể thao, giảm dần các sự kiện có quy mô lớn, hiệu quả chưa cao, đi sâu vào hoạt động văn hóa cơ sở. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về văn hóa; tập trung xây dựng các Đề án liên doanh, liên kết theo tinh thần Nghị quyết 28 của HĐND Thành phố. Các đơn vị sự nghiệp, các Nhà hát cần triển khai sớm việc thực hiện gắn với việc phát triển công nghiệp văn hóa; Nâng tầm các sự kiện thể thao do Hà Nội tổ chức; quan tâm tới công tác quản trị của Sở; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng…để xây dựng người Hà Nội Thanh lịch, Văn minh, Sáng tạo và Chuyên nghiệp. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định trong thời gian tới, Hà Nội sẽ gương mẫu, đi đầu để tạo ra những sản phẩm văn hóa mới và sẽ cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố thành các chương trình, kế hoạch cụ thể để Hà Nội luôn xứng đáng với vị thế của Thủ đô. Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở đã triển khai nhiệm vụ trọng tâm của Sở năm 2025. Để tập trung giải quyết các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, đồng chí Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở đã giải đáp những kiến nghị đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã liên quan đến lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; lĩnh vực quản lý văn hóa và dịch vụ văn hóa; lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và thể dục thể thao. Thanh Mai Nội dung khác Hội thao Công đoàn Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội năm 2015Chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945… Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà NộiLễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 3/2017 tại… Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội yêu cầu khắc phục hạn chế tại Lễ hội Hoa hồng BulgariaNgày 03/3/3017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn gửi… 10 sự kiện, hoạt động Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiêu biểu năm 2016Ngày 27/12/2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công bố chính thức 10… Đại hội Hội CCB Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội lần thứ II, nhiệm kỳ 2017- 2020 Sáng 14/3, Hội Cựu chiến binh (Hội CCB) Sở Văn hóa và Thể thao Hà… Khai mạc Tuần Văn hóa - Thể thao Việt NamVới chủ đề “70 năm Thể thao Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển…