Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Xây dựng “Người Thạch Thất thanh lịch, văn minh” gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa xứ Đoài

Huyện Thạch Thất nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” của xứ Đoài, có bề dày lịch sử, truyền thống yêu nước và truyền thống văn hóa mang nét đặc trưng, làm nên tinh thần, cốt cách của con người Thạch Thất cho đến hôm nay.

Huyện có 209 di tích lịch sử – văn hóa (gồm đình, chùa, đền, quán, miếu, văn chỉ…), trong đó có 34 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (tiêu biểu như chùa Tây Phương – Di tích quốc gia đặc biệt, Nhà lưu niệm Bác Hồ – Di tích lịch sử cấp quốc gia), có 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Trên địa bàn huyện đang bảo tồn 92 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 27 lễ hội, 13 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 15 nghề thủ công, 22 tri thức dân gian, 13 tập quán xã hội và 2 ngữ văn dân gian; 18 di sản được ưu tiên bảo vệ. Hằng năm, huyện Thạch Thất thu hút đông đảo khách đến tham quan.

Vẻ đẹp kiến trúc Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương

Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, những năm qua, huyện Thạch Thất luôn kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất, con người nơi đây, nhất là nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững, xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của quần chúng Nhân dân trên địa bàn huyện Thạch Thất ngày càng được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Các hình thức vui chơi, giải trí, thưởng thức văn học nghệ thuật của Nhân dân đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đáng chú ý là 100% các di tích xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn huyện được đầu tư tu bổ, tôn tạo; đến nay đã tu bổ được 20 di tích.

Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và hoàn thiện. 100% số thôn, tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng, 113/122 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ 92,6%)… Một số loại hình nghệ thuật truyền thống của huyện Thạch Thất được các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực. Huyện đang duy trì hoạt động của 3 phường múa Rối nước: Bình Phú, Thạch Xá, Chàng Sơn; 3 Câu lạc bộ Chèo: Canh Nậu, Chàng Sơn, Đại Đồng; 39 đội Cồng chiêng ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung.

Huyện phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hội Vật truyền thống làng Bùng

Trên cơ sở kế thừa, gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân huyện Thạch Thất đã xây dựng, hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm xây dựng con người Thạch Thất ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân – thiện – mỹ. Bước đầu hình thành được ý thức, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong Nhân dân trên địa bàn huyện, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Thời gian tới, huyện Thạch Thất sẽ hoàn thiện, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa; tập trung rà soát quy hoạch bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố… Huyện quan tâm tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa; đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ xếp hạng di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền giới thiệu các di sản văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; phối hợp với các sở, ngành thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có quy mô lớn. Trong đó, tập trung đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương; tạo dựng các sản phẩm văn hóa: Tổ chức giải vật truyền thống, lễ hội vùng chùa Tây Phương; thiết kế các sản phẩm du lịch làng nghề, ẩm thực đặc trưng của quê hương Thạch Thất… Đặc biệt, huyện  tiếp tục quan tâm xây dựng “Người Thạch Thất thanh lịch, văn minh” gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa xứ Đoài./.

Thảo Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *