Di sản – Bảo tồn

Khai mạc triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn”

Sáng 26/8, triển lãm với chủ đề “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” đã khai mạc tại Nhà Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chủ trì phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức. Đây cũng là sự kiện kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống ngành Văn hóa 28/8.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Qua hơn 70 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về mộc bản, châu bản, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cùng 16 phiên bản mộc bản, người dân Thủ đô và du khách đến với triển lãm sẽ được tiếp cận với Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua một số chủ đề nổi bật như: Quốc hiệu đất nước; Khoa cử thời Nguyễn và Tinh thần dân tộc qua Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thông qua 3 di sản tư liệu triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới đó là Mộc bản, Châu bản và Thơ trên kiến trúc cung đình Huế.

Mộc bản triều Nguyễn là những bản khắc gỗ dùng để in sách chữ Hán, chữ Nôm với nhiều loại hình khác nhau như sách lịch sử, địa chí, văn chương..,. đặc biệt là những trang về lịch sử triều Nguyễn cũng như lịch sử Việt Nam.

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận. Nội dung mộc bản được giới thiệu tại triển lãm này tập trung về chủ đề Quốc hiệu đất nước. Quốc hiệu đất nước đã được phản ánh khá đầy đủ qua mộc bản, mỗi trang tài liệu là một câu chuyện lịch sử về Quốc hiệu của đất nước ta qua các thời kỳ.

Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ hai của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Qua triển lãm này, châu bản được giới thiệu tập trung với chủ đề về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn. Nội dung giáo dục và khoa cử thời Nguyễn tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy hành chính nhà nước. Các văn bản châu bản liên quan đến chủ đề này đã phản ánh khá sinh động về nhiều vấn đề trong chính sách giáo dục, đào tạo, tuyển cử của triều Nguyễn trong đào tạo và sử dụng nhân tài.

Châu bản là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thứ ba của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Hiện nay, trên các công trình kiến trúc cung đình Huế hiện còn khoảng hơn 4.000 đơn vị ô hộc chữ Hán (chú yếu là các bài thơ). Tại triển lãm, những bài thơ bằng chữ Hán chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế tập trung ở nhiều đề tài khác nhau nhưng nổi bật hơn cả đó là tinh thần dân tộc qua việc khẳng định về những truyền thống văn hiến tốt đẹp cũng như niềm tự hào về giang sơn gấm vóc.

Bài thơ “Văn hiến thiên niên quốc” – bài thơ tiêu biểu nhất trong các bài thơ văn trên kiến trúc cũng đình Huế – được xem như bài tuyên ngôn độc lập của triều đại Nguyễn

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết thêm về loại hình di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế: “Nếu Mộc bản là những bản khắc âm và từ bản khắc âm ta có thể nhân thành nhiều bản thì Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là riêng bản, là bản khắc trực tiếp và là độc bản, được gắn trực tiếp vào các công trình kiến trúc. Cách thể hiện của Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có rất nhiều loại: có những loại khắc trực tiếp trên gỗ rồi sơn son thiếp vàng, hoặc sơn đen, có loại chỉ vẽ bằng sơn vàng; có loại được tráng men trên đồ pháp lam ; có loại hình bằng vôi vữa, hoặc được gắn bằng mảnh sành sứ… Đặc biệt hơn nữa, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thế hiện những nội dung rất phong phú và tùy thuộc vào khu vực mà thơ văn đó được đặt; đồng thời chính những bài thơ đó biến thành những họa tiết trang trí cho công trình kiến trúc. Đây là một nét độc đáo được UNESCO đánh giá rất cao. Nó không đơn thuần chỉ truyền tải nội dung mà bản thân nó là một tác phẩm mỹ thuật.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Năm 2016, di sản Thơ văn trên kiến trúc cùng đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trước đó hàng chục năm, trong sự nghiệp bảo tồn, chúng tôi đã đánh giá đây là những di sản rất quý của cha ông. Do đó, trong phương pháp bảo tồn bao giờ chúng tôi cũng cố gắng giữ gìn tối đa, không tác động hay làm sai lệch… tất cả đều được giữ nguyên và cố gắng bảo tồn nguyên vẹn. Ngoài ra, chúng tôi đã bước đầu ghi chép, định vị và số hóa toàn bộ loại hình thơ văn này để lưu trữ đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế sau đó từng bước dịch thuật, giới thiệu trên nhiều hình thức khác nhau như qua những cuốn sách, qua truyền thông báo chí, giới thiệu tại các kỳ Festival. Và một chiến lược lâu dài mà chúng tôi đang tiến hành đó là đưa vào trong nhà trường bậc phổ thông và đại học…

Và Triển lãm này cũng chính một cách để bảo tồn và giới thiệu tới công chúng những giá trị đặc sắc của 3 di sản tư liệu triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Các đơn vị cùng phối hợp tổ chức triển lãm chính là sự chia sẻ về trách nhiệm trong công tác chuyên môn của những người đồng nghiệp trong việc giữ gìn di sản. Tôi cho rằng đây là một cách thức rất tốt để chúng tôi có thể cùng nhau đưa di sản hòa nhập và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại”.

TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám

TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc mà các thế hệ người Việt Nam tạo dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử và trao truyền lại cho chúng ta ngày hôm nay. Trong đó, Hà Nội, Huế và một số địa phương khác có những di sản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Nhằm giới thiệu với công chúng Thủ đô và du khách những di sản tư liệu thế giới của Huế, hôm nay, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi cũng lưu giữ di sản tư liệu thế giới là 82 bia Tiến sĩ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chủ trì phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức Triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn”. Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, ngày Truyền thống ngành Văn hóa 28/8”.

Triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2017 hy vọng sẽ đem đến cho công chúng thưởng lãm và giới nghiên cứu những trải nghiệm thú vị qua các di sản tư liệu triều Nguyễn.

VV

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *