Di sản – Bảo tồn

Thưởng ngoạn di sản văn hóa… trên mạng

(HNM) – Công trình tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… trên mạng vừa được khai trương để du khách tự do thưởng ngoạn. Đây được xem là một hướng đi mới cho việc quảng bá di sản văn hóa, giới thiệu điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Tham quan ảo Ở […]

(HNM) – Công trình tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… trên mạng vừa được khai trương để du khách tự do thưởng ngoạn. Đây được xem là một hướng đi mới cho việc quảng bá di sản văn hóa, giới thiệu điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Tham quan ảo

Ở bất cứ nơi đâu, tại bất kỳ thời điểm nào, chỉ cần có thiết bị có kết nối mạng để vào đường link http://www.ifi.edu.vn/HanoiOperaHouseVR/# là người xem được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có lịch sử trên một trăm năm, nằm giữa trung tâm Thủ đô – Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin, do Viện Quốc tế Pháp ngữ phối hợp với Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội thực hiện trong gần một năm qua.

Công trình tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… trên mạng
Chương trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội được thiết kế ở chế độ tự động, kéo dài 15 phút. Trong tiếng nhạc du dương của một số ca khúc Pháp nổi tiếng, người xem được thưởng thức vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của công trình này qua những cảnh quay được thực hiện với công nghệ 3D, 360º. Người xem có thể quan sát công trình ở góc độ tùy chọn, từ đằng trước, đằng sau, hai bên cạnh, hoặc từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên. Có 18 vị trí để quan sát Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại mỗi vị trí lại có những nút nhấn để người xem tự “mở cửa”, thấy rõ chi tiết trên từng viên đá, viên ngói, sàn, tường của cầu thang, mái nhà, khán phòng, vòm, nhà gương… Chuyến tham quan của du khách còn được hỗ trợ bởi phần chạy chữ thể hiện nội dung thuyết minh bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt – qua đó giới thiệu thông tin về lịch sử công trình, quá trình xây dựng, nét độc đáo của Nhà hát Lớn Hà Nội, âm nhạc Việt Nam đầu thế kỷ XX, những sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra tại nơi này…

Nhóm chuyên gia thực hiện công trình tham quan ảo này có 14 người, trong đó có nhà nghiên cứu sân khấu, Tiến sĩ Corinne Flicker của Trường Đại học Aix-Marseille (Pháp) – người từng xuất bản hai cuốn sách về sân khấu Việt Nam và sân khấu Đông Dương. Vì vậy, những hình ảnh, thông tin xuất hiện trong chuyến tham quan kéo dài 15 phút được chọn lựa kỹ lưỡng, thể hiện nét độc đáo và tạo ấn tượng mạnh, khiến người xem có cảm giác đang bước vào, đi lại trong không gian Nhà hát Lớn thực sự.

Được gửi đường dẫn, sau nhiều lần tham quan với các trải nghiệm khác nhau, có lúc chỉ nghe thuyết minh, có lúc du ngoạn trên nền nhạc, anh Guillaume Béraudo – Quốc tịch Pháp chia sẻ: “Đã nhiều lần đến Hà Nội nhưng tôi chưa bao giờ vào Nhà hát Lớn. Đây là một công trình thú vị, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Nhất định lần tới tôi sẽ đến nơi này, ngồi vào chiếc ghế đỏ để thưởng thức nghệ thuật”.

Công trình tham quan ảo chắc chắn sẽ tạo ảnh hưởng tích cực tới du lịch Thủ đô. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên, từ công trình tham quan ảo, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ được du khách biết đến rộng rãi hơn, tăng tính kết nối với các di sản khác như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội.

Xu hướng số hóa 

Tiến sĩ Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ nhận định: “Việc sử dụng công nghệ để phát huy giá trị di sản văn hóa là hoạt động thức thời. Việt Nam có nền tảng phát triển công nghệ thông tin tốt, lượng người sử dụng và các dịch vụ ứng dụng công nghệ đang tăng mạnh, tạo thuận lợi cho nhiều ngành nghề phát triển. Không nằm ngoài xu hướng đó, Viện Quốc tế Pháp ngữ phối hợp với các bên liên quan thực hiện dự án “Số hóa các di sản văn hóa” nhằm phục vụ cộng đồng. Trong đó, công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội là bước đi thành công đầu tiên”.

Theo Tiến sĩ Ngô Tự Lập, đối tượng của dự án “Số hóa các di sản văn hóa” khá đa dạng, trong đó, được ưu tiên hàng đầu là những di sản đang có nguy cơ bị mai một hoặc có khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch, thương mại. Từ tháng 5-2017, Viện Quốc tế Pháp ngữ tiếp tục triển khai số hóa công trình kiến trúc khuôn viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với chuyến tham quan ảo “Khám phá lịch sử và kiến trúc khuôn viên Khoa Pháp”, người xem sẽ được tìm hiểu, tham khảo những tư liệu lịch sử, hình ảnh về sân chơi, khu vườn hoa, phòng học, phòng hội thảo… tương tự như tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ngoài Viện Quốc tế Pháp ngữ, gần đây, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng mở ứng dụng “Bảo tàng ảo 3D” để công chúng tham quan hai khu trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam” trên mạng. Ngoài ra, từ năm 2012 và 2013, Nhóm số hóa Hà Nội đã tái hiện phố cổ Hà Nội và các danh lam, thắng cảnh Thủ đô đầu thế kỷ XX bằng công nghệ 3D. Đó là dự án của một nhóm người trẻ yêu Hà Nội, quy mô nhỏ và thời gian duy trì không lâu nên đến nay, dự án dường như rơi vào quên lãng. Ở thời điểm dự án ra mắt, có rất nhiều ý kiến phản hồi của người thưởng thức, cả người trong nước và nước ngoài tỏ ý muốn đến tận nơi để so sánh. Điều đó cho thấy việc sử dụng công nghệ để quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp di sản có tác động tới xu hướng du lịch, tham quan thực tế.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Ngô Tự Lập cho rằng, việc số hóa các di sản tại Việt Nam vẫn còn hạn chế nhất định, do ý thức của người sở hữu, quản lý công trình và điều kiện kinh phí. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, sắp tới, Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục tiến hành những chương trình số hóa di sản văn hóa, vừa nhằm mục đích bảo tồn di sản vừa quảng bá điểm đến của du lịch Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *