Văn hóa

Nghệ nhân Nguyễn Bá Nghĩa – Người gìn giữ, phát huy tinh hoa nghề mộc truyền thống Ngọc Than

Năm nay anh Nghĩa mới 37 tuổi nhưng tuổi nghề thì ít ai sánh được với hơn 23 năm làm nghề.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, gắn bó từ nhỏ với nghề mộc truyền thống của gia đình, nghệ nhân Nguyễn Bá Nghĩa đã kiên trì học hỏi, cống hiến tâm sức và nhiệt huyết của mình cho những sản phẩm đồ thờ mang đậm tinh hoa văn hóa tâm linh của người Việt…
Bước chân vào nhà anh, chúng tôi đã bị thu hút bởi bộ án gian, hoành phi câu đối, ngai ỷ, cửa võng, y môn, án thư, ban thờ được chạm khắc tinh sảo… do chính tay anh làm ra. Anh say sưa giới thiệu cho chúng tôi biết về tên gọi, ý nghĩa và thời gian của những sản phẩm đó. Được tận mắt chứng kiến anh giới thiệu các sản phẩm trong nhà mới thấy hết được niềm đam mê của anh đối với từng bộ đồ thờ trang trọng. Với 23 năm trong nghề, nghệ nhân trẻ tuổi này đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống của địa phương.
Ngay từ khi còn nhỏ, anh Nghĩa đã được làm quen với nghề mộc, tiếp xúc thường xuyên với những mảnh gỗ, những hoa văn chạm khắc ở những ngôi nhà cổ truyền thống bởi ông nội của mình. Hơn thế, bản thân anh yêu thích việc vẽ những hoa văn, họa tiết sinh động trên các sản phẩm của ông nội làm ra. Công việc ấy đã tạo cho anh một hứng thú đặc biệt. Vậy là vừa học văn hóa anh vừa theo học nghề mộc của gia đình. Với niềm đam mê và ham học hỏi không ngừng, anh đã theo học nghề mộc ở huyện Thạch Thất và làng nghề Bát Tràng, cả những nét tinh hoa của nghề mộc ở Đài Loan, Nhật Bản. Sau khi có được những kinh nghiệm trong nghề, năm 2001, anh trở về quê hương, mở xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng và đục chạm gỗ đồ thờ tại gia đình.


Nghệ nhân Nguyễn Bá Nghĩa

Khi mới bắt tay vào sản xuất, anh cũng gặp phải nhiều khó khăn do diện tích xưởng làm trong nhà nên không gian trật trội, thêm nguồn vốn eo hẹp, thiếu tiền mua gỗ. Tuy nhiên, cảm nhận được niềm đam mê của anh, gia đình và người thân đã động viên, tạo điều kiện cho anh vay mượn tiền để tiếp tục duy trì xưởng. Ban đầu, các sản phẩm xưởng của anh làm ra chủ yếu chỉ là đục lá cửa, trường kỷ, sập gụ,… Sau dần, khi đã tự chủ được nguồn vốn, anh mở rộng xưởng và thuê thêm công nhân. Đến nay, anh đã có 3 xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng và đục chạm gỗ cao cấp, sản xuất những bức hoành phi câu đối, ngai ỷ, thiều châu, cửa võng, y môn, án gian, án thư, ban thờ…tinh xảo, sinh động.

Các sản phẩm đồ thờ trong gia đình do Nghệ nhân Nguyễn Bá Nghĩa chạm khắc

Năm nay anh Nghĩa mới 37 tuổi nhưng tuổi nghề thì ít ai sánh được với hơn 23 năm làm nghề, Điều mà nghệ nhân luôn đặc biệt quan tâm đó chính là quan điểm nhất quán “hòa nhập chứ không hòa tan”, có thể học hỏi các sản phẩm tinh hoa của nước bạn để làm phong phú thêm cho sản phẩm của mình, nhưng đối với những công trình văn hóa đền, chùa, anh luôn tuân thủ lề lối, điển tích của các cụ để lại. Anh chia sẻ: “Những sản phẩm của Đài Loan, Nhật Bản có hoa văn cầu kỳ yêu cầu kỹ lưỡng, đục chạm phải sạch sẽ, tinh xảo. Đây cũng là những nước phát triển, công trình của họ rất đồ sộ, cầu kỳ, chi tiết. Chính vì vậy, tôi đã tiếp thu những kỹ thuật cũng như hoa văn của họ để vừa cải tiến, vừa phối hợp làm tăng sự đa dạng cho các sảm phẩm của mình theo thị hiếu của khách hàng. Tuy nhiên, khi xây dựng các công trình văn hóa Đền, Chùa chúng tôi luôn tuân thủ lề lối, điển tích các cụ để lại. Chỉ riêng đối với những đồ dùng thời hiện đại thì chúng tôi mới áp dụng thêm hoa văn của nước ngoài để tạo ra các sản phẩm, mang phong cách hiện đại phù hợp sở thích và được khách hàng ưa chuộng”
Nhờ có sự chuyên nghiệp, tỷ mỉ trong từng sản phẩm và sự am hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt, các sản phẩm của anh không những được các gia đình trong và ngoài nước ưa chuộng, anh còn được tín nhiệm giao cho nhiều công trình đồ thờ mang tính cộng đồng cao tại các Chùa, Đền, Đình trong cả nước. Đặc biệt, năm 2016 vừa qua, anh đã được nhận thực hiện 60 bộ cửa võng cho chùa Trúc Lâm tại tỉnh Kharkov – Ukraine. Đây là một niềm vinh hạnh lớn đối với cá nhân anh, đánh dấu dự yêu mến của khách hàng không chỉ trong nước mà còn cả các kiều bào trên thế giới. Với uy tín ngày càng được nâng cao, xưởng sản xuất của anh đã đem lại thu nhập cao cho gia đình, mỗi năm cho thu lãi từ 300 đến 500 triệu đồng.
Không những phát triển kinh tế gia đình, nghệ nhân còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động trong và ngoài địa phương, với mức lương trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng. Anh Nguyễn Tuấn Vũ – ở xã Thạch Thán làm công cho gia đình anh Nghĩa cho biết: “ Tôi đã làm việc cho anh nghĩa hơn 3 năm nay, mức lương anh trả mỗi tháng 6,5 triệu đến 7 triệu đồng. Với mức lương ấy tôi cũng đã đảm bảo có cuộc sống ổn định và đủ chi phí cho gia đình. Từ lúc học việc cho đến lúc ra nghề, anh cũng đã tận tình chỉ bảo, dặn dò tôi từ điều nhỏ cho đến những điều quan trọng trong công việc”. Quan tâm đến đời sống của đội ngũ công nhân của gia đình không những là mức lương để họ có được cuộc sống ổn định mà anh thường quan tâm, chỉ bảo tận tình, định hướng cho các bạn trẻ để có tay nghề cao, giữ gìn làng nghề truyền thống của địa phương, để làng nghề không bị mai một.
Khi nghề mộc dân dụng và đục chạm gỗ cao cấp của thôn Ngọc Than được Thành phố công nhận làng nghề, Hội làng nghề được thành lập và đi vào hoạt động. Anh Nghĩa cũng đã tham gia và có nhiều đóng góp vào các hoạt động của Hội, trong đó tập trung vào đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, được hội làng nghề đánh giá cao. Nghệ nhân Đỗ Đình Thường – Chủ tịch Hội Làng nghệ Mộc truyền thống thôn Ngọc Than cho biết: “Cháu Nghĩa tuy ít tuổi nhưng mà có đóng góp rất lớn cho việc của làng nghề, truyền nghề, dạy nghề và phát triển giữ nghề, có điều kiện phát triển tốt, quan tâm đến tất cả các chương trình của địa phương khi cần hỗ trợ và đóng góp. Cháu Nghĩa là người có tay nghề thực sự, có nhiệt tình với quê hương, làng nghề”.
Nhờ những đóng góp cho làng nghề truyền thống, năm 2015, anh đã vinh dự là người trẻ nhất được nhận bằng “Nghệ nhân chạm khắc gỗ và sơn son thiếp vàng” do UBND thành phố Hà Nội trao tặng.

Ngọc Giang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *