Di sản

Thách thức trong bảo tồn và phát huy di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo của nhiều người.

Việc thực hành tín ngưỡng này với nghi lễ “hầu đồng” vốn đã nhạy cảm với nhiều biến tướng thì trong điều kiện hiện nay việc bảo tồn và phát huy di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng đang đứng trước nhiều thách thức.

Giá trị không thể phủ nhận

Là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt, Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt, dẻo dai, uyển chuyển, phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất nước. Không chỉ có vậy, nhờ khả năng tích hợp tôn giáo tín ngưỡng cao mà Tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung để cùng bảo lưu những giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống.

Theo GS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, từ thời nguyên thủy, nó thỏa mãn tâm lý của người nông dân cầu mong phồn thực, sự sinh sôi nảy nở. Thờ Mẫu đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến, nó đáp ứng nhu cầu không chỉ của nông dân, nông thôn mà còn cả tầng lớp thương nhân ở đô thị. Trong thời kỳ quân chủ phong kiến, nhất từ thời Lê, do lấy tư tưởng Nho giáo độc tôn nên tục thờ Mẫu bị xếp vào thứ đạo phi chính thống. Tuy nhiên, đến thời Nguyễn, nhất là sau triều vua Đồng Khánh đến Bảo Đại thì tục thờ Mẫu được tôn sùng. Ngày nay, tục thờ Mẫu vẫn tiềm ẩn chiều hướng phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Thờ Mẫu đó phát triển rộng khắp ở cả đồng bằng, đô thị và miền núi, tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phú của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu mang nhiều giá trị cơ bản như: giá trị nhận thức thế giới, giá trị nhân sinh, gắn bó với dân tộc trở thành thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa và tục thờ Mẫu – hầu đồng – chầu văn cũng là một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo…

Từ nhiều năm trở lại đây nhận thức của xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước đã có những đánh giá ngày càng xác thực hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhà nước đã công nhận là di sản của quốc gia và UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này một lần nữa khẳng định những giá trị không thể phủ nhận của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống của người Việt.

“Sân khấu hóa” và nỗi lo biến tướng

Trong Hội thảo khoa học do Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức vừa diễn ra mới đây, nhiều nhà khoa học và các thanh đồng đã phải lên tiếng về việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu còn nảy sinh không ít biến tướng, gây bức xúc trong nhân dân.

Về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh, trong bài viết “Lên đồng và xã hội đô thị” đã cho rằng, bản thân tục thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ Thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Do vậy, nó rất phức tạp, chứa đựng nhiều tàn tích cổ xưa mà trong xã hội hiện tại không mấy phù hợp.

GS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam
phát biểu tại Hội thảo

Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, mọi tôn giáo, tín ngưỡng không tồn tại trong chân không mà trong xã hội con người. Con người trong xã hội không chỉ hướng về nó, tôn vinh nó mà còn lợi dụng nó vì các mục đích khác nhau. Rất nhiều người lợi dụng tình trạng nhiễu loạn hiện nay để đầu cơ trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, đi ngược với bản chất hướng thiện của các tín ngưỡng, tôn giáo.

Trước những nguy cơ đang hiện hữu trong đời sống di sản này, GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh, việc làm cần thiết lúc này để hạn chế những mặt trái, sự biến tướng của di sản là “gạn đục khơi trong”, hỗ trợ và phát huy mặt tích cực là cơ bản để dần hạn chế những mặt tiêu cực, lỗi thời.

Tại Hội thảo, một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận về nỗi lo biến tướng hầu đồng là việc lạm dụng sân khấu hóa, cho dù mục đích của nó vốn là để giới thiệu rộng rãi tới công chúng nhân dân những nét đẹp, giá trị của trình diễn hầu đồng. Bởi thực tế hiện nay, khi việc tiến hành sân khấu hóa được tổ chức tràn lan thì vô tình khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bị “biến dạng” và mất đi giá trị đích thực vì nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa việc mô phỏng tín ngưỡng với việc thực hành chuẩn tại không gian điện thờ. Và nếu các đơn vị thực hiện không thận trọng thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm, thương mại hóa tín ngưỡng, làm mất đi niềm tin, tinh thần của xã hội đối với việc tâm linh, tín ngưỡng dân tộc.

Thanh đồng Nguyễn Thị Thìn (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) cho rằng, Tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị thực hành khá tùy tiện ở nhiều không gian chưa phù hợp như đình, chùa… Người thực hành nghi lễ có biểu hiện lệch chuẩn từ trang phục, đạo cụ, văn hầu đến vũ đạo làm mất đi sự nghiêm túc và tính linh thiêng. Thậm chí còn có cả hiện tượng thương mại hóa, đưa bói toán, phù chú, bắt ma, trò phù thủy vào các canh hầu… “Những hiện tượng này đang làm xói mòn những giá trị tốt đẹp của di sản”, thanh đồng Nguyễn Thị Thìn nói.

Đồng tình với nhận xét trên, nhà nghiên cứu Phạm Tứ – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cũng cho rằng, trong thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu còn bùng phát việc trình đồng, mở phủ dẫn đến sự trà trộn của những “đồng đú, đồng đua” trong cộng đồng. Điều này gây nên đủ chuyện dở khóc, dở cười trong thực hành di sản, như: Quy ước tu dưỡng 12 năm để “thử đồng” bị phá bỏ, nhiều người mới ra đồng một năm đã “đẻ đồng”, tự phong cho mình là “đồng thầy”…

Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

Giá trị thì đã rõ! Nỗi lo biến tướng di sản cũng không ít! Và việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng đặt ra nhiều thách thức. Ngày 25/7/2017, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 3156/BVHTTDL-DSVH về việc triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, trong đó nhấn mạnh: Phải có những hành động thiết thực nhằm định hướng bảo tồn và phát huy bền vững những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu, ngăn chặn các hiện tượng biến tướng, mê tín dị đoan, lãng phí trong thực hành di sản.

Liên quan vấn đề này, nhà nghiên cứu Phạm Tứ – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đề xuất, cần tăng cường các giải pháp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật của đội ngũ thực hành tín ngưỡng, làm cơ sở để định hướng cho các hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, các hiện tượng mê tín dị đoan trong quá trình thực hành tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Phạm Tứ cũng cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá thường xuyên để nắm được những thay đổi của thực hành này cả tích cực và không tích cực để có biện pháp kịp thời phát huy hoặc điều chỉnh; kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ cũng như toàn xã hội…

Đồng tình quan điểm này, TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam cũng cho rằng, cần có các công trình nghiên cứu về Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống đương đại để cập nhật liên tục các cách thức thực hành đang diễn ra, từ đó định hình đâu là giá trị cốt lõi của di sản, đâu là kế thừa sáng tạo, đâu là biến tướng, có nguy cơ làm mai một hay ảnh hưởng đến “danh”, “diện” của di sản này. “Vấn đề quan trọng nhất ở truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vẫn là trao truyền nhận thức về giá trị di sản, về hướng dẫn thực hành và hành động bảo vệ di sản đó”, TS Lê Thị Minh Lý khẳng định.

 

Theo Cinet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *