Bảo tồn - Bảo Tàng

Bảo tàng Hà Nội, một điểm đến hấp dẫn

Với 110 nghìn lượt khách tham quan trong năm 2016, Bảo tàng Hà Nội đang từng bước trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn.

Ngoài những hiện vật trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Hà Nội còn triển lãm theo chuyên đề, tổ chức hội thảo, tọa đàm về các vấn đề khoa học. Với 110 nghìn lượt khách tham quan trong năm 2016, Bảo tàng Hà Nội đang từng bước trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn.

Nhiều trường học thường xuyên tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu, sinh hoạt ngoại khóa tại Bảo tàng Hà Nội.

Đa dạng hóa hình thức hoạt động

Những ngày này, cán bộ Bảo tàng Hà Nội đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm ảnh “Tháng Ba mùa hoa gạo”. Hoa gạo vốn là một loài cây tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng những năm gần đây, không ít cây gạo bị đốn hạ. Bảo tàng Hà Nội phối hợp CLB Nhiếp ảnh Trường đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức sự kiện này nhằm tôn vinh vẻ đẹp, đánh thức tình yêu, để mọi người cùng bảo vệ một biểu tượng của làng quê. Rất nhiều bức ảnh đẹp về hoa gạo, nhất là hoa gạo chụp ở các huyện Mỹ Đức, Thường Tín, Chương Mỹ… được gửi về. Sau khi chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất, Ban Tổ chức đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để triển lãm có thể ra mắt công chúng vào ngày 18-5.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động được Bảo tàng Hà Nội thực hiện trong thời gian gần đây. Ngay trước triển lãm về hoa gạo, sảnh trung tâm của Bảo tàng là nơi diễn ra triển lãm “Linh vật Việt”, do Bảo tàng Hà Nội phối hợp Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) triển khai, giới thiệu các linh vật trong văn hóa truyền thống như: rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, hạc, chó, rùa, cá… được sưu tầm qua các thời kỳ, cùng các sản phẩm phục dựng do nghệ nhân, nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện.

Nhiều khách tham quan đã hết sức ngạc nhiên khi nhận ra sự tương đồng cũng như khác biệt của linh vật Việt với linh vật ngoại lai, nhất là ý nghĩa trong các mô-típ trang trí mà cha ông ta đã gửi gắm. Ngoài những hoạt động triển lãm, trưng bày, Bảo tàng Hà Nội còn có nhiều hoạt động mang tính tương tác cao như: Tổ chức chương trình “Rước trăng chơi phố”, giới thiệu Tết Trung thu theo phong vị cổ truyền; chương trình Tết Việt; tổ chức vận động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, giao lưu nhân các dịp kỷ niệm… Trong đó, có những cuộc giao lưu nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn, như cuộc giao lưu với các học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Cuộc giao lưu tạo cơ hội cảm nhận và trải nghiệm niềm vui học tập thông qua các hoạt động tại bảo tàng, giúp học sinh trau dồi kiến thức về di sản văn hóa dân tộc. Trưởng Phòng Giáo dục, Truyền thông và công chúng Nguyễn Thị Ngọc Hòa cho biết: “Việc có các hoạt động triển lãm chuyên đề, các hoạt động tương tác thường xuyên khiến cán bộ bảo tàng vất vả hơn rất nhiều. Nhưng chúng tôi mong muốn đẩy mạnh các hoạt động này để bảo tàng trở nên sinh động, thu hút đông đảo khách tham quan”.

Chủ động “tìm” khách tham quan

Chính thức hoạt động từ năm 2010, Bảo tàng Hà Nội là một trong những bảo tàng có tuổi đời “trẻ” nhất trên địa bàn Thủ đô. Do một số vướng mắc cho nên tiến độ triển khai Dự án nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội còn chậm. Tuy nhiên, với những hoạt động phong phú, Bảo tàng Hà Nội đã khắc phục phần nào nhược điểm nêu trên. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết: “Chúng tôi chủ động liên hệ với một số trường học, công ty du lịch, các tổ chức chính trị, xã hội… để giới thiệu về Bảo tàng Hà Nội và mời khách đến tham quan. Khách đến với bảo tàng được trân trọng như khách quý đến nhà. Mọi cán bộ, nhân viên của bảo tàng đều thực hiện tốt Quy tắc ứng xử để phục vụ khách tham quan tốt hơn”.

Những chương trình như vậy thường được chuẩn bị kỹ và đem lại những trải nghiệm thú vị cho khách tham quan. Nhiều trường học coi việc tham quan Bảo tàng Hà Nội là một hoạt động ngoại khóa bổ ích. Bảo tàng Hà Nội còn có nhiều “khách hàng” là các trường học, cơ quan, đơn vị ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… Bảo tàng Hà Nội cũng tăng cường phối hợp các bảo tàng, các cơ quan khác để hoạt động trở nên sinh động. Em Nguyễn Minh Ánh, học sinh lớp 6A, Trường THCS Tô Vĩnh Diện (quận Đống Đa) hào hứng chia sẻ sau một buổi tham quan: “Trước đây nhìn thấy những cổ vật cháu thấy cũ kỹ và xa lạ. Nhưng đến bảo tàng cháu được biết thêm rằng nó là hiện vật chứa những câu chuyện lịch sử, trong đó có lịch sử Thủ đô. Không gian của bảo tàng cũng rất rộng rãi cho nên chúng cháu có một buổi ngoại khóa thật thoải mái”.

Để công tác triển khai các hạng mục trưng bày được nhanh chóng và thuận lợi, không ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, phát huy giá trị của Bảo tàng Hà Nội, tháng 6-2016, Thường trực Thành ủy đã thống nhất bổ sung Dự án phần trưng bày Bảo tàng Hà Nội vào danh mục dự án trọng điểm của thành phố, giai đoạn 2016-2020. Các phần trưng bày sẽ được Hội đồng khoa học thẩm định, dựa trên những hiện vật được nghiên cứu lựa chọn khách quan, khoa học, có chọn lọc, để làm nổi bật những giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên… của Thủ đô. Dự kiến, toàn bộ phần nội dung trưng bày sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (tháng 10-2019). Có thể kỳ vọng, từ nền tảng hiện tại, khi được hoàn thiện các nội dung trưng bày, Bảo tàng Hà Nội sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Theo nhandan.com.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *