Tin tức - Sự kiện

Làm giàu từ nghề truyền thống

HNP – Đến thăm cơ sở chế tác tượng gỗ của gia đình anh Nguyễn Thế Anh, thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, trong khuôn viên nhà xưởng diện tích 700m2 trưng bày hàng trăm bức tượng đẹp mắt, và tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật tạo hình cao. Ngót 40 […]

HNP – Đến thăm cơ sở chế tác tượng gỗ của gia đình anh Nguyễn Thế Anh, thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, trong khuôn viên nhà xưởng diện tích 700m2 trưng bày hàng trăm bức tượng đẹp mắt, và tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật tạo hình cao. Ngót 40 năm tuổi đời và hơn 20 năm trong nghề, anh Nguyễn Thế Anh đã xây dựng một cơ sở chế tác tượng mà không phải ai trong nghề cũng có được.

 

Anh Nguyễn Thế Anh (bên trái) cùng thợ hoàn thiện sản phẩm

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề mộc truyền thống, chuyên sản xuất các sản phẩm đồ mộc dân dụng, song Nguyễn Thế Anh đã chọn hướng đi riêng cho mình. Năm 16 tuổi, anh đã từng đến nhiều làng nghề điêu khắc truyền thống ở trong và ngoài huyện để học nghề. Sau hơn 10 năm theo đuổi niềm đam mê nghề điêu khắc, năm 1996, anh mạnh dạn mở cơ sở mỹ nghệ ngay trên chính quê hương mình, với các dòng sản phẩm là đồ trang trí nội thất; Lúc đầu khởi nghiệp anh gặp không ít khó khăn, do thị trường chưa biết đến sản phẩm, trong khi nguyên liệu có vốn đầu tư lớn… với sự nhạy bén, nắm bắt ngày càng có nhiều nhu cầu trùng tu, tôn tạo các công trình tâm linh, từ đó anh đã chuyên sâu chế tác tượng Phật. Quá trình tích luỹ, học hỏi kinh nghiệm đã giúp anh cho ra đời những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, mang đậm phong cách làng nghề và bản sắc rất riêng.

Thế Anh cho biết: “xuất phát từ niềm đam mê môn nghệ thuật tạo hình, mong muốn được lưu lại những giá trị sản phẩm và tinh hoa của nghề điêu khắc cho các thế hệ mai sau, nên anh đã gắn bó và quyết tâm theo đuổi nghề điêu khắc”. Đến nay, Thế Anh có 21 năm kinh nghiệm trong nghề chế tác tượng gỗ, mặc dù tuổi còn trẻ song Thế Anh đã trở thành chủ một cơ sở chế tác gỗ trên quê hương nghề mộc truyền thống Vạn Điểm. Đã có nhiều người trẻ tuổi đến học và trở thành những thợ nghề điêu khắc lành nghề và làm việc tại cơ sở của gia đình anh. Dưới sự đào tạo, chỉ dẫn của Nguyễn Thế Anh, bàn tay người thợ đã tạo nên những pho tượng có hồn, và mang một ý nghĩa với những sắc thái khác nhau. Hàng trăm tượng gỗ tâm linh đủ kích thước, màu sắc, đường vân thớ gỗ, khiến người xem có cảm giác như đang đứng trong bảo tàng tượng gỗ.

Nguyễn Thế Anh tâm sự: Điêu khắc gỗ – nghề vô cùng gần gũi, quen thuộc nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Phải có năng khiếu, lòng đam mê cùng sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi, người thợ mới có thể “chạm” đến sự thăng hoa trong từng tác phẩm, đưa khối gỗ vô tri trở nên sống động và lan truyền cảm xúc đến người thưởng lãm. Cái đích mà anh muốn vươn tới là được công nhận nghệ nhân nghề điêu khắc gỗ.

Được biết, Cơ sở chế tác tượng của anh đã cung cấp hàng nghìn pho tượng phật để phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo, phục chế đình chùa, và các công trình tâm linh trong cả nước, như: Chùa Yên Tử – Quảng Ninh, Chùa Tản Viên – Ba Vì, Chùa Khai Nguyên thị xã Sơn Tây… Pho tượng mà Thế Anh đã tâm huyết, dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thành, là pho tượng “Quan Âm nghìn mắt nghìn tay” cao 11m, đặt tại chùa Tản Viên huyện Ba Vì với số lượng 85m3 gỗ mít. Để làm nên được những tác phẩm nghệ thuật, anh đã chọn lọc, sử dụng các loại gỗ chất lượng cao không cong vênh… để thiết kế sản xuất những sản phẩm có hoa văn tinh xảo, có chất lượng. Bản thân anh đều trực tiếp kiểm soát các khâu từ lựa chọn nguyên liệu thô cho đến các khâu trong quá trình sản xuất, do đó chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm, hạn chế được tối đa các lỗi kỹ thuật. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc nhằm giảm bớt các khâu đục đẽo thủ công nhằm tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng tốt. Các mặt hàng do cơ sở của anh làm ra ngày càng khẳng định được “thương hiệu” trên thị trường, được nhiều người biết đến và được tiêu thụ rộng khắp ở trong và ngoài thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Anh Thế Anh cho biết, sản phẩm sản xuất tại cơ sở của anh rất đa dạng theo yêu cầu của khách hàng như các loại ghế, tràng kỷ, bình phong, bức đại tự, câu đối, cuốn thư, tủ tường… theo phong cách giả cổ như triện, đào, trúc… Mẫu mã luôn đảm bảo đẹp, chất lượng và theo thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, hàng năm, xuất xưởng khoảng 300 pho tượng các loại, đem lại tổng doanh thu bình quân 12 tỷ đồng/năm. Cơ sở sản chế tác tượng gỗ của gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 thanh niên địa phương có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình, Nguyễn Thế Anh còn tham gia Câu lạc bộ thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi xã Vạn Điểm, với mong muốn giúp đỡ và truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho những người trẻ trong xã, trong việc gìn giữ, phát triển nghề mộc truyền thống, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Theo Cổng GTĐT TP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *