Di sản

Ghi từng thời khắc lịch sử

Dịp lễ kỷ niệm như thế này, những người quay phim bước ra từ chiến trường chúng tôi càng nhớ nhiều về năm tháng đó. Gian khổ lắm nhưng cũng thiêng liêng và tình cảm vô cùng. Những thước phim quý giá Tháng 2, tháng 3, tôi đang công tác tại Điện ảnh Quân đội, […]

Dịp lễ kỷ niệm như thế này, những người quay phim bước ra từ chiến trường chúng tôi càng nhớ nhiều về năm tháng đó. Gian khổ lắm nhưng cũng thiêng liêng và tình cảm vô cùng.

Những thước phim quý giá

Tháng 2, tháng 3, tôi đang công tác tại Điện ảnh Quân đội, nghe nói có rất nhiều đoàn quay phim ở Hà Nội đã lên đường, đi vào Khu V, vào Huế, Trị Thiên, Tây Nguyên… Trận Mậu Thân 1968 tôi đã “lót” sẵn ở Tây Thừa Thiên; năm 1972 cũng được bố trí sớm vào Quảng Trị. Lần này, giữa tháng 3.1975 chờ mãi chưa thấy tên mình, tôi có phần sốt ruột. Thế rồi nửa cuối tháng 3 tôi được lệnh đi cùng đồng chí Trần Việt, bấy giờ là quyền Giám đốc của Điện ảnh Quân đội. Mấy anh em hăm hở chuẩn bị quân trang, máy quay, nhưng chưa biết cụ thể đi đâu, làm gì. Khác với các đoàn, chúng tôi được bố trí những 2 xe com-măng-ca, còn có cả thu thanh, nên cũng lờ mờ đoán sẽ vào trọng điểm nào đó. Nghĩ bụng vậy và lên đường.


NSND Đặng Xuân Hải bên chiếc máy quay 35 ly quay Nội các Dương Văn Minh năm 1975
Ảnh: TL

Đoàn hành quân từ Hà Nội theo tuyến đường 1, đến Quy Nhơn lại ngược lên Tây Nguyên tới Lộc Ninh. Đến đây thì biết vùng này là phía Tây Sài Gòn, gần mục tiêu đầu não rồi! Từ ngày 24, đoàn được phát quân trang mới. Tổ của tôi (tôi là quay phim chính) nhận chỉ định theo Đoàn 232 tiến vào Sài Gòn, trên đường cứ gặp cái gì quay cái đấy. Dọc đường tôi quay được một số cảnh đặc sắc như quân ta cùng xe tăng vượt sông Vàm Cỏ; người dân chở thuyền đưa bộ đội sang sông, nhiều đồn bốt địch bị tiêu diệt… Đêm 29, anh em được phát mỗi người một nắm cơm để hành quân cùng bộ binh. Sớm 30.4, đoàn vào đến Cầu Bông thì gặp một ổ phản kích. Đơn vị dàn ra chiến đấu, lúc này quay phim phát huy hiệu quả ghi lại cảnh quân ta mở nút tiến vào Sài Gòn.

Đoàn tiếp tục tiến vào ngã tư Bảy Hiền. Máy quay thỏa thuê ghi lại hình ảnh dân chúng tung hô, cờ giải phóng xen lẫn cờ đỏ sao vàng đón quân giải phóng, có cả những đoạn đường mà súng đạn, quần áo, giày dép của lính Ngụy vứt la liệt hai bên… Những cảnh quay đáng quý ấy báo hiệu sự tan rã của Ngụy quân Ngụy quyền. Chúng tôi linh cảm chiến thắng hình như đến rất gần! Vừa lúc vào đến Biệt khu Thủ đô thì gặp hướng của quân ta. Tôi chạy sang bên trái cổng, trèo lên nhà ngoài vọng gác, cúp máy xuống quay cảnh xe tăng tiến vào, bộ đội nhảy xuống chiếm lĩnh các nhà. Vì các mũi tấn công bí mật, điều kiện liên lạc hạn chế, lại không ai nắm rõ đường phố Sài Gòn nên lúc chúng tôi về đến Dinh Độc Lập đã là 12h30 phút ngày 30.4, không quay được cảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Phải chững lại một thời gian thì dân chúng mới ùn ùn kéo đến. Đoàn quay được cảnh bà con mang nước tới mời bộ đội, giao lưu tay bắt mặt mừng. Có người còn đến đòi xem máy quay phim, sờ bộ quân phục của mấy anh em rồi xuýt xoa: “Bộ đội giải phóng sao mà hiền quá”!

Nghĩ cũng tiếc vì về trễ thời gian, nhưng bù lại, chúng tôi quay được khá nhiều hình ảnh quý giá. Chiều 30.4 anh em lăn tăn làm thế nào quay được toàn bộ nội các Dương Văn Minh lúc đó đang được canh giữ ở các phòng trong Dinh Độc Lập. May là đồng chí Trần Việt có giấy giới thiệu của Tổng cục Chính trị, trình lên Ban Quân quản, được chấp thuận quay nội các sáng hôm sau. Tổ quay phim phấn chấn quên cả mệt mỏi sau hai ngày ròng rã ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước!

Ấn tượng sâu đậm

Máy quay 35 ly hoạt động hết công suất, đến khi mặt trời lặn, ánh sáng tàn dần không đủ để tiếp tục quay, ai nấy mới nhớ ra đã nhịn đói từ sáng tới giờ! Anh em quay về Bộ Tổng Tham mưu Ngụy để tìm chỗ ngủ, lại được đồng chí dẫn đường đưa về một gia đình cơ sở ăn cơm. Bữa cơm với độc nồi canh chua để chính giữa, anh em xì xụp ăn, giản dị mà ấm lòng. Ấy là bữa cơm đầu tiên ngày giải phóng, là bữa cơm đầu tiên trong thống nhất, hòa bình…


Xe tăng quân Giải phóng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975
Ảnh: TL

Tối hôm ấy, tôi nằm nhưng không sao ngủ được!

Nhớ ngày nào trong quân đội, tôi được cử đi học lớp quay phim chiến trường rồi được tung vào mặt trận Gio Linh (Quảng Trị). Trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, một mình một máy ở nội thành Huế, quay cảnh đánh nhau ở cả khu sân bay Tây Lộc và khu Đại Nội, thu hình ảnh bắt tù binh, ghi được hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng kéo lên cột cờ thành phố Huế. Sự kiện năm 1972, lại lăn lộn ở sân bay Đông Hà, sân bay Ái Tử (Quảng Trị), rồi bơi sang bờ bên kia sông Bến Hải đưa phim ra Bắc, để có phóng sự “Tin nhanh chiến thắng Quảng Trị”… Sự kiện 30.4.1975, tôi lại thu vào ống kính những thước phim lịch sử. Thắng lợi rồi, giải phóng rồi đáng lẽ phải vui mừng, tôi lại… nhớ.

Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, tôi ở Huế được 7 ngày thì bị thương. Trận truy kích hôm ấy thật dữ dội, bộ đội ta có thương vong. Tôi bị thương ở chân, máy hỏng không quay tiếp được nữa. Sau tôi được đưa lên trạm xá trên rừng điều trị, những thước phim đó được chuyển ra Bắc. Hình ảnh đó cứ hiển hiện trong cái đêm tháng Tư lịch sử. Đêm giải phóng này, các đồng chí quay phim với tôi, những bộ đội tôi từng quay hình, họ ở đâu? Tôi cứ luẩn quẩn nghĩ về việc ấy.

Nghĩ lại thì tôi là người may mắn đã đồng hành với chiếc máy quay trong cả 3 sự kiện quan trọng của đất nước, ghi dấu ấn lịch sử dân tộc vào ống kính của mình. Nhiều thước phim đã trở thành tư liệu khắc họa trong tác phẩm điện ảnh “Chiến thắng lịch sử xuân 1975” (Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV). Xem lại thước phim của mình, tôi thấy vinh dự được hoàn thành trách nhiệm ghi chép lịch sử, cho một cái nhìn thật về lịch sử.

Dịp lễ kỷ niệm như thế này, những người quay phim bước ra từ chiến trường chúng tôi càng nhớ nhiều về năm tháng đó. Gian khổ lắm nhưng cũng thiêng liêng và tình cảm vô cùng. Như lúc quay các đơn vị bộ đội phối thuộc, anh em cởi mở, có chiến sĩ còn ân cần: “Anh nhớ đi theo mũi của chúng em, chúng em sẽ đánh thật hay để anh quay được hình ảnh chiến thắng”!

NSND Đặng Xuân Hải
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *