Âm nhạc

Những người hồi sinh hồn nhạc cổ kinh kỳ

Đông Kinh Cổ Nhạc đã dày công phục dựng nguyên bản nhất có thể vốn âm nhạc cổ truyền dân tộc, từ không gian trình diễn cho tới lối đàn, lối hát nhạc cổ. Qua đó, kết nối giá trị cốt lõi của lịch sử và văn hóa Hà Nội thông qua âm nhạc truyền thống tới khán giả trong nước và quốc tế.

Nhóm nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc quy tụ các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội và những người yêu văn hóa truyền thống Việt Nam, họ gặp nhau trong đam mê gìn giữ âm nhạc cổ truyền và mong muốn lan tỏa những giá trị đẹp của di sản trong cộng đồng.

Đông Kinh Cổ Nhạc đã dày công phục dựng nguyên bản nhất có thể vốn âm nhạc cổ truyền dân tộc, từ không gian trình diễn cho tới lối đàn, lối hát nhạc cổ. Qua đó, kết nối giá trị cốt lõi của lịch sử và văn hóa Hà Nội thông qua âm nhạc truyền thống tới khán giả trong nước và quốc tế.

Những âm thanh từ tre, trúc, từ tiếng tơ với lối hát mộc, không qua sự hỗ trợ của các thiết bị khuếch đại âm thanh điện tử, đã làm nên nét đặc sắc riêng của Đông Kinh Cổ Nhạc. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp to lớn của NSND Xuân Hoạch – người đã khôi phục dây tơ cho những cây đàn đáy, đàn bầu, đàn nhị. Với những bộ môn nghệ thuật dân gian: Chèo, Tuồng, Xẩm, Ca trù, Chầu Văn… cùng những tên tuổi lớn như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSND Minh Gái, NSƯT Thúy Ngần.

Các nghệ nhân, nghệ sĩ nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc

Nhiều năm qua, các nghệ nhân, nghệ sĩ nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc cùng Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ phối hợp tổ chức chuỗi chương trình “Chuyện nhạc phố cổ”, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước âm nhạc xưa và nay của mảnh đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội. Đến với những đêm nhạc cổ tại địa chỉ 50 phố Đào Duy Từ, khán giả có cơ hội đắm chìm trong lời ca, tiếng hát ngọt ngào của các ca nương, ngả ngiêng với tiết mục hề chèo, mê mải dõi theo những ngón đàn điêu luyện hay say sưa với những màn múa tuồng cổ… Cùng với “Chuyện nhạc phố cổ”, những chương trình như “Tiếng trúc, tiếng tơ”, “Tố nữ dân ca” cũng đã  làm nên thương hiệu của Đông Kinh Cổ Nhạc.

NSƯT Kim Liên thể hiện vai Xúy Vân trong trích đoạn “Múa quay tơ”

Cùng với việc lưu giữ và bảo tồn giá trị âm nhạc cổ truyền, Đông Kinh Cổ Nhạc còn mạnh dạn thử nghiệm kết hợp âm nhạc dân gian với nền nghệ thuật đương đại, đem nhạc cổ diễn xướng thơ ca, và không chỉ có thơ Việt mà còn cả thơ thế giới. Các đêm thơ nhạc “Xẩm ngọng – Lời ru – Tre xanh” diễn ra năm 2015 là sự kết hợp giữa các làn điệu chèo, xẩm, chầu văn với thơ Nguyễn Duy. Tiếp sau đó, năm 2017, Đông Kinh cổ nhạc tiếp tục thử nghiệm lồng điệu cho thơ Đức, đó là thơ Jan Wagner với chương trình “Biến tấu thùng nước mưa” và thơ Henric Heiner với “Trữ tình, lãng mạn và cổ truyền”. Tiếp đó, nhóm cũng thử nghiệm đưa ca từ của Trịnh Công Sơn vào ca nhạc cổ truyền Huế trong chương trình “Vọng cố đô”. Đông Kinh Cổ Nhạc đã phối hợp với nhóm nhạc đương đại Hà Nội tổ chức chương trình hòa nhạc “Tấm gương ký ức” tại phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, lần đầu thử nghiệm kết hợp âm thanh của nhạc khí truyền thống và thanh điệu của âm nhạc cổ truyền cùng đồng tấu với âm nhạc đương đại phương Tây. Nhóm nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc cũng đã mang nhạc cổ dân tộc Việt giới thiệu tới bạn bè quốc tế tại Liên hoan Âm nhạc Di sản Thế giới tổ chức tại thành phố cổ Siem Riep, Campuchia.

Năm 2018, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc giới thiệu tới khán giả các chương trình đặc sắc hội tụ âm nhạc truyền thống của hai miền đất văn hiến Huế và Hà Nội với sự góp mặt của các nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi nhóm nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc cùng Câu lạc bộ Nhã nhạc và Ca Huế Phú Xuân với tên gọi “Ai Vô Xứ Huế, Ai Ra Bắc Thành” tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội) và đêm diễn “Tiếng vọng cố đô” tại TP.HCM. Tháng 8 vừa qua, Đông Kinh Cổ Nhạc kết hợp với Hanoi New Music Ensemble thực hiện chương trình “Màu Âm – Hình tiếng”, đêm nhạc của với các tác phẩm kết hợp với nghệ thuật Tuồng truyền thống.

Ngoài những địa điểm trình diễn quen thuộc như Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Heritage space, Manzi…, Đông Kinh Cổ Nhạc đã dựng thêm nhà tre truyền thống tại làng Láng (Hà Nội), có tên gọi là “Nhà tre, nhạc Việt, hát tiếng tơ” với mục đích xây dựng nơi đây thành trung tâm văn hóa âm nhạc thuần Việt, biểu diễn phục vụ không chỉ khán giả Thủ đô mà còn cả du khách trong và ngoài nước. Nhóm đang bổ sung dần một số gương mặt trẻ thông qua các chương trình biểu diễn. Hiện nay, bên cạnh những nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội, Đông Kinh Cổ Nhạc đã thu hút một số nghệ sĩ trẻ từ những nhà hát dân tộc như NSƯT Kiều Oanh, nghệ sĩ Hà Thảo…

          Bằng niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo không ngừng, các nghệ nhân, nghệ sĩ của Đông Kinh Cổ Nhạc đã, đang và sẽ tiếp tục hành trình gìn giữ, bảo tồn, phát triển những giá trị âm nhạc truyền thống.

Ngân Hà

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *