Di sản

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Tháng 11 là chuỗi các hoạt động đặc sắc chào mừng tuần Đại đoàn kết dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam (18 – 23/11/2018)

Là chủ đề hoạt động tháng 11 được tổ chức từ ngày 01 – 30/11/2018 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), “Bài ca kết đoàn” với các hoạt động điểm nhấn, cuối tuần, hàng ngày nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng. Đặc biệt tháng 11 là chuỗi các hoạt động đặc sắc chào mừng tuần Đại đoàn kết dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam (18 – 23/11/2018)

Đồng bào các dân tộc giao lưu văn hóa trong sự kiện
Tuần “Đại đoàn các kết dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” 2017
Chương trình tháng 11 với các hoạt động gồm:

Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra tại Sân khấu lễ hội làng III, từ 8h30-10h30 ngày 18/11/2018 (Chủ Nhật): Đây là “Điểm nhấn” của chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam”, kết hợp Khai mạc sự kiện;

Chương trình Sắc màu di sản văn hóa tại “Ngôi nhà chung” tại Không gian làng dân tộc Khơ Mú, Khu các làng dân tộc I, diễn ra cả ngày 23/11/2018. Chương trình sẽ giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên, Ggới thiệu một số nét văn hóa của dân tộc Sán Dìu: Các hoạt động diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian.

Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ tại không gian các làng dân tộc Chăm, Khmer Khu làng dân tộc III, diễn ra từ 14h30 – 16h00 ngày 18/11/2018 và 09h00-10h30; 14h30-16h00 ngày 19/11/2018. Chương trình gồm:  Giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian các dân tộc Khmer, Chăm là chủ thể và giao lưu với các dân tộc, giới thiệu ẩm thực, nghề truyền thống của dân tộc Chăm, dân tộc Khmer;  Giới thiệu vẻ đẹp của người con gái Chăm Islam và nét văn hóa Chăm qua chiếc khăn matơna, giới thiệu văn hóa, du lịch, đặc sản địa phương các tỉnh Tây Nam Bộ (Sóc Trăng, An Giang).

Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên diễn ra tại làng dân tộc Ba Na, Khu các làng dân tộc II, từ 09h00-10h30 ngày 20/11/2018. Điểm nhấn của sự kiện này là tái hiện Lễ thổi tai của đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai (dự kiến bắt đầu hoạt động hàng ngày tại Làng) tại làng dân tộc.

Các hoạt động tiếp theo diễn ra từ 09-10h30; 14h30-16h00 các ngày 20, 21/11/2018  tại tại các làng dân tộc Ê Đê, Raglai, Chăm, Cơ Tu, Tà Ôi, Xơ Đăng, Ba Na. Mỗi dân tộc vùng Tây Nguyên đang hoạt động tại Làng: Ê Đê, Raglai, Chăm, Cơ Tu, Tà Ôi, Xơ Đăng và Ba Na sẽ cùng giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, giới thiệu ẩm thực văn hóa dân tộc, sản vật địa phương mình góp vào ngày hội chung.

Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, gồm các hoạt động: Trình diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên) tại làng dân tộc Khơ Mú, Khu các làng dân tộc I, từ 9h00 – 11h00 ngày 23/11/2018  qua đó để đồng bào các dân tộc Đông Bắc, Tây Bắc tìm hiểu về di sản văn hóa gắn liền với địa phương trong việc bảo tồn và phát huy di sản; Giới thiệu, trình diễn hoạt động “Khéo tay đan lát” của các chủ thể văn hóa dân tộc phía Bắc, giới thiệu ẩm thực, giao lưu dân ca, dân vũ trò chơi dân gian các dân tộc Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, thời gian diễn ra từ 09h00 – 10h30; 14h30 -16h00 các ngày 22, 23/11/2018

Ngoài ra, tại Làng còn có các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của 14 đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình hoạt động cuối tuần gồm có:

Chương trình văn nghệ “Tình ca từ đá” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc tại Làng dân tộc Mông, khu các làng dân tộc I từ 9h00 – 10h30 và 14h30 – 16h00 Ngày 03,04/11/2018 : Trình diễn ca khúc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, ca ngợi về quê hương đất nước, một số ca khúc gắn với đời sống hiện đại hướng tới chủ đề tình anh em trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam hướng về chủ đề “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Các tiết mục dân ca dân, dân vũ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Chương trình “Ấn tượng nghệ thuật Tuồng truyền thống” của nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Sân khấu lễ hội làng dân tộc III từ 10h00 – 11h00 và 14h30 – 16h00 Ngày 10,11/11/2018: Trình diễn các trích đoạn, tiết mục tiêu biểu, nổi tiếng đã được biểu diễn cả trong và ngoài nước như: vở tuồng Hồ Nguyệt hóa cáo, múa lân, nhã nhạc cung đình Huế – loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tái hiện Lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tại Làng dân tộc Mường, Khu các làng dân tộc I từ 09h00 – 10h00, ngày 10/11/2018 : Lễ cúng cơm mới hay còn gọi là “đoóng côốp” là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Lễ mừng cơm mới được người Mường coi trọng và gìn giữ từ này sang đời khác bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn và thắt chặt thêm tình đoàn kết bản làng hướng về một cuộc sống đủ đầy.

Lễ dâng Y Kathina tại Quần thể chùa Khmer, Khu các làng dân tộc III từ 08h30 – 10h30 ngày 11/11/2018: Đây là một trong những lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (ở Việt Nam thường gọi là Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Tiểu thừa). Đối với những người dân theo Phật giáo Nguyên thủy, đại lễ dâng y kathina mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia, đồng thời đại lễ dâng y cũng còn nhắc nhở cho tứ chúng, cả hàng phật tử xuất gia và tại gia, luôn nhớ về và trân trọng tấm lòng của đàn tín.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hương sắc Tây Bắc” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc tại Khu vực cánh đồng hoa Tam giác mạch, Khu các làng dân tộc I từ 09h00 – 10h30 và 14h30 – 16h00 ngày 24,25/11/2018: Trình diễn các ca khúc ca ngợi về văn hóa, con người, mảnh đất Tây Bắc và giới thiệu đến du khách không gian văn hóa, du lịch gắn với cảnh sắc hoa Tam giác mạch tại Làng.

LVH

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *