Di sản

Di tích quốc gia Đình Phượng Cách

Đình Phượng Cách thuộc xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đình là một công trình kiến trúc cổ kính, nơi thờ Đức Thành Hoàng Lý Phục Man – một danh tướng có công giúp vua Lý Nam Đế đánh thắng giặc Lương, dựng nên nhà nước Vạn Xuân hồi thế kỷ thứ VI.

Đình cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, đi theo trục đại lộ Thăng Long rẽ phải, chạy dọc theo đường đê khoảng 1km là tới di tích đình Phượng Cách. Đình nằm ở phía Tây của làng, gần các trục giao thông chính trong thôn.

Tương truyền lúc còn nhỏ tuổi, Lý Phục Man đã có tài hơn người, cưỡi voi bắn tên trường năng rất giỏi. Mến mộ tài năng của Ngài, vua Lý Nam Đế đã phong cho Ngài chức Đạị tướng quân và giao trấn giữ một vùng từ Đỗ Động đến Đường Lâm (tức khu vực Thanh Oai đến Ba Vì ngày nay). Vào mùa xuân năm 543, giặc Lương ồ ạt sang xâm lược, cướp phá vùng Cửu Đức ( Nghệ An ngày nay). Phụng mệnh nhà vua, Ngài đã cùng các tướng sỹ đến vùng Cửu Đức, đánh tan quân giặc chỉ bằng mấy mũi tên, quân giặc hoảng sợ bỏ chạy về nước. Nhà Vua khen ngợi Ngài là bậc hào kiệt ở vùng Sơn Tây, phong tướng quân, đặt tên cho là Phục Man, họ là Lý và gả công chúa cho rồi thăng chức là Thiếu úy Tham Nghị. Chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, vào đầu năm 545 giặc Lương lại kéo quân sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Trong một đêm mưa gió, Ngài đã chỉ huy trận đánh và anh dũng hi sinh giữa trận tiền. Cảm kích công ơn của Ngài, người dân Phượng Cách đã tôn thờ làm đức Thành hoàng làng, trải qua các triều đại phong kiến đã được nhiều đạo sắc phong vua ban.

Đình Phượng Cách là một công trình cổ có từ lâu đời. Từ ngoài vào là hồ đình, được kè đá bốn bề vuông vức. So với các hồ đình khác, hồ này khá rộng. Đứng ở phía Tây nhìn vào đình sẽ thấy hệ thống cột trụ tường bao, bình phong… lung linh in bóng xuống mặt nước.

Qua hệ thống cột trụ, tường bao, cổng pháo là đến sân đình. Sân đình rộng, lát gạch bát, hai bên có 2 dãy tả hữu mạc. Nổi bật giữa sân đình là hai cột đá (thạch trụ) cao 4,4m. Đây là những cột đá được dựng vào năm Cảnh Hưng tứ niên (1745). Đá lấy ở núi Lân Sơn, cách di tích gần 2000m, được chế tác rất công phu để tạo được đá liền khối, thêm vào đó là quá trình xẻ vuông vức, đục chạm mộng ghép phần đầu và chân kiểu mộng gỗ, rồi chạm nổi những đôi câu đối kỳ công. Theo lời những bậc cao niên ở đây thì tất cả những việc đó đều do người làng Phượng Cách tự làm.

Qua sân đình là toà Đại bái, dài 22m, rộng 7,6m, được chia làm 5 gian. Trước cửa Đại bái có 2 bệ đá xanh khắc hoạ đầu cá sấu và “Vân hoá long” với đường nét tinh xảo. Toà Đại bái cách hậu cung một sân lọng nhỏ. Chính giữa sân lọng cũng có 4 cột đá xanh cao 2,29m.

Toà hậu cung Đình Phượng Cách là công trình kiến trúc điêu khắc to lớn và cổ kính, có niên đại sớm nhất vùng này, được tạo dựng vào năm “Bính Tuất Vĩnh thịnh nhị niên” (năm 1706). Đây là một toà hậu cung rộng lớn được chia thành 5 gian. Hiện tại, hậu cung đình Phượng Cách còn lưu giữ được khối lượng di vật lớn. Gian chính giữa bên trong có khám thờ sơn son, trong khám bài trí long ngai bài vị thờ tướng quân Lý Phục Man và hai vị phu nhân. Bên ngoài là các đồ tế tự, hai hàng gươm trường bát bửu, đồ gốm sứ, hai ngựa gỗ, ba cỗ kiệu bát cống cùng nhiều hoành phi, câu đối…

Hội làng Phượng Cách được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, hội lớn được tổ chức 5 năm một lần. Lễ hội là dịp để dân làng tổ chức ăn mừng mùa vụ, cúng tế Thành hoàng làng tưởng nhớ công ơn của Ngài và cầu sức khỏe, cầu phước, làm ăn buôn bán thuận lợi.

Năm 1992, đình Phượng Cách đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Nam Bình Tr

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *